Tham quan đền Fushimi Inari là một trong những hành trình khám phá không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Kyoto, Nhật Bản. Ngôi đền nổi tiếng với hơn 4000 cánh cổng màu đỏ cam rực rỡ cả một góc trời đến tận chân núi Higashiyama. Nơi đây đã trở thành một trong những hình ảnh huyền thoại mang tính biểu tượng và linh thiêng nhất ở Kyoto nói riêng cũng như đất nước Nhật Bản nói chung. Hãy đồng hành cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật trong bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành Fushimi Inari Taisha cũng như những điều đặc sắc nhất ở ngôi đền cổ kính này.
Giới thiệu đôi nét về đền thờ Fushimi Inari Taisha
Fushimi Inari Taisha là đền thờ nổi tiếng và quan trọng nhất trong số 3 vạn đền thờ Inari-jinja trên toàn quốc. Ngôi đền này còn được gọi với cái tên gọi thân thuộc là Oinari-san. Tương truyền, đền Fushimi Inari được xây dựng vào năm 711 với khu thánh địa rộng khoảng 870.000m², trung tâm núi Inari-yama. Thiết kế đặc biệt nhất của đền đó là đường hầm “Zenbon Torii” với hơn 4000 chiếc cổng Torii màu đỏ cam nằm trong khuôn viên.
Hằng năm, nhất là dịp đầu xuân, có rất nhiều người đến đây cầu nguyện sức khỏe, làm ăn phát đạt, kinh doanh thuận lợi. Để ước nguyện trở thành sự thật hoặc tạ ơn vì đã đạt được ước nguyện, họ đã mang nhiều cổng Torii đến đặt ở đền. Đây cũng là lý do mà số lượng cổng Torii ở đền ngày càng tăng.
Vị thần được thờ ở đền Fushimi Inari là thần Inari-Daimyojin nổi tiếng linh ứng đối với những lời cầu nguyện về mùa màng bội thu, kinh doanh thịnh vượng, phát đạt nên được dân chúng rất tín ngưỡng. Đặc biệt, cáo được cho là sứ giả của thần Inari nên khi đến đây tham quan, bạn sẽ thấy có rất nhiều tượng cáo trên khắp sân đền. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đền Fushimi Inari vẫn giữ được trọn vẹn những nét cổ xưa đặc trưng – một trong những dấu ấn quan trọng của đất nước Nhật Bản.
Chùa nghìn cột Kyoto nằm ở đâu?
Fushimi Inari là ngôi đền chính trong hệ thống bao gồm 32.000 đền thờ thần Inari trên khắp đất nước Nhật Bản. Ngôi đền này tọa lạc dưới chân núi Inari, trên độ cao 233m so với mực nước biển, thuộc Fushimi-ku, phía Nam của Kyoto.
>> Xem thêm: Cố đô Kyoto: Nơi lưu giữ những nét truyền thống của Nhật Bản
Con đường dẫn lên đền là một hệ thống đường mòn kéo dài khoảng 4km và phải mất khoảng 2 – 3 giờ để đi lên. Dọc theo những con đường mòn là những ngôi đền nhỏ cùng với rất nhiều cánh cổng Torii nằm rải rác.
Lịch sử ngôi đền Fushimi Inari
Ngôi đền ngàn cột Fushimi Inari là một đền thờ Thần đạo nổi tiếng với khoảng 10.000 cổng Torii màu đỏ cam uốn lượn trên con đường mòn dẫn vào đền. Ngay sau khi ngôi đền được dựng xây, để chứng minh sự đóng góp của những người thờ phụng, một cổng Torii sẽ được dựng lên và khắc tên người đó. Chẳng mấy chốc mà đã xuất hiện đường hầm “Senbon Torii” như chúng ta thấy hiện nay.
Vào khoảng thế kỷ 7, năm 711 sau Công nguyên, gia đình Hata-no-Irogu đã cho xây dựng đền Fushimi Inari ở phía Nam Kyoto. Đến năm 816, theo thỉnh nguyện của vị thiền sư Kukai (774-835), đền được di chuyển về khu rừng tuyết tùng phía dưới chân núi Inari như ngày nay. Cũng trong đợt di dời này, ngôi đền đã được tu sửa và mở rộng nhiều hơn so với kiến trúc ban đầu.
Trải qua nhiều thế kỷ, khi Nhật Bản dần chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp sang nền công nghiệp, ngôi đền Fushimi Inari đã trở nên vô cùng quan trọng, mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng trong kinh doanh cho các doanh nhân và thương nhân Nhật Bản. Ngày nay, Fushimi Inari là một trong những ngôi đền được viếng thăm nhiều nhất hằng năm.
Những điều đặc sắc nhất ở ngôi đền cổ kính Fushimi Inari
Hành trình khám phá ngôi đền cổ kính Fushimi Inari có rất nhiều điều thú vị. Hãy “theo chân” VJ Links – Du lịch Việt Nhật để tham quan một vòng xung quanh ngôi đền có gì đặc biệt nhé!
Cổng Romon khổng lồ
Ngay lối vào của ngôi đền là chiếc cổng Romon được một nhà lãnh đạo nổi tiếng Toyotomi Hideyoshi dâng tặng vào năm 1589. Phía sau cánh cổng này chính là không gian chính của ngôi đền. Tại nơi này, du khách viếng thăm nên bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị thần cư trú bằng cách cúng dường nhỏ.
Senbon Torii (hàng nghìn cổng Torii)
Hầu hết khách tham quan đến đền Fushimi Inari đều đi theo con đường mòn xuyên qua những khu rừng rậm của núi Inari. Con đường này bắt đầu với hai dãy cổng Torii song song dày đặc, được gọi là Senbon Torii (hàng ngàn cổng Torii). Hơn 10.000 chiếc cổng Torii nằm san sát dọc theo lối đi tạo ra hiệu ứng đường hầm khi du khách đi qua.
Những chiếc cổng Torii lâu đời nhất là từ thế kỷ thứ 8 và các cánh cổng mới liên tục được thêm vào. Chúng đều là quà quyên góp của các cá nhân hoặc công ty, doanh nghiệp để cảm ơn sự ban phước từ các vị thần trong đền. Dòng chữ ở mặt sau cánh cổng là tên của nhà tài trợ, ngày đóng góp cũng như những ước nguyện về sức khỏe, hạnh phúc và tiền tài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tặng một cổng Torii. Bởi chi phí cho một chiếc cổng nhỏ là khoảng 400.000 yên và tăng lên hơn một triệu yên cho một chiếc cổng lớn.
Thần Inari-Daimyojin
Vị thần thờ phụng tại đền Fushimi Inari là thần Inari-Daimyojin. Trong thời kỳ đầu Nhật cổ, thần Inari-Daimyojin được người dân tôn thờ là vị thần của gạo và rượu sake – 2 đại diện chủ đạo của cả nền văn hóa cũng như ngành mậu dịch của nước Nhật thời xưa. Việc thờ phụng vị thần này phổ biến trên khắp Nhật Bản trong thời kỳ Edo. Đến thế kỷ 16, thần Inari-Daimyojin được xem là vị thần bảo hộ chính thức của các tướng quân (shogun), các lãnh chúa (daimyō) và các tầng lớp khác trong xã hội Nhật Bản.
Đến thời Cải cách Minh Trị tại Nhật, với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, thần Inari-Daimyojin được giới thương nhân tôn thờ là vị thần bảo hộ cho sự may mắn và thịnh vượng trong thương nghiệp. Ngoài ra, thần Inari-Daimyojin còn phù hộ cho gia đạo bình an, phụ nữ mang thai sinh con được khỏe mạnh,…
Bức tượng con cáo – sứ giả của thần Inari
Trên đường mòn dẫn vào đền, du khách sẽ trông thấy hàng trăm bức tượng cáo làm bằng đá, thường đặt tại hướng Đông Bắc của ngôi đền – hướng đi của ma quỷ nhằm bảo hộ cho con người và ngôi đền.
Theo quan niệm tín ngưỡng của người Nhật Bản, con cáo đại diện cho sự linh hoạt, cần mẫn và thông minh – những yếu tố tương đồng với đức tính của họ. Đặc biệt, trong tôn giáo Shinto, người Nhật cổ tin rằng nếu một con cáo sống được đến 100 tuổi sẽ hóa thành người, sau khi tu luyện ngàn năm sẽ trở thành Gumiho (Cáo chín đuôi) có khả năng trấn áp tà khí, xua đuổi tà ma. Vì vậy, cáo chính là một linh vật được tôn sùng và được cho là sứ giả của vị thần Inari-Daimyojin. Đây cũng là lý do vì sao có rất nhiều tượng cáo đặt trong khắp khuôn viên của đền thờ Fushimi Inari.
Những con cáo này thường giữ trong miệng các vật tượng trưng, thường là chiếc chìa khóa hoặc một cuộn giấy. Chìa khóa đại diện cho khả năng mở khóa một vựa lúa, còn cuộn giấy có nghĩa cáo ở đây để mang lại sự khôn ngoan cho người nhận. Những chiếc khăn quàng đỏ quấn quanh cổ con cáo có tác dụng xua đuổi tà ma và bệnh tật.
Đá Omokaru-ishi
Sau khi đi qua khỏi cổng Torii, bạn sẽ đến nơi chiêm bái Okusha – một vị trí khá khuất bên trong khu vực đền thờ. Nơi này được gọi là Oku-no-in. Người dân nơi đây quan niệm rằng khi nhấc đá Omokaru-ishi lên mà thấy nhẹ thì mọi ước nguyện sẽ thành sự thật.
Hoàng hôn ở Fushimi Inari
Sau khoảng thời gian nửa giờ đi bộ, bạn sẽ đến được giao lộ Yotsutsuji nằm ở nửa đường lên núi. Tại nơi này, bạn có thể chiêm ngưỡng một số khung cảnh nổi bật của Kyoto. Đặc biệt, đây chính là điểm đón hoàng hôn tuyệt đỉnh tại Fushimi Inari. Nhiều du khách đến đây để tận hưởng không gian yên tĩnh và thanh bình giữa bao la đất trời.
Thời điểm lý tưởng để tham quan đền thờ Fushimi Inari
Vào ban ngày
Đền thờ Fushimi Inari thường rất đông đúc vào lúc 10 giờ sáng. Vì vậy, bạn nên đến đây trước 7 – 8 giờ sáng nếu muốn tận hưởng không gian yên bình, thanh tĩnh nhất. Bắt đầu với chuyến đi bộ sớm từ khoảng 4 – 5 giờ sáng và đi theo con đường mòn dẫn lên đỉnh núi. Khi đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội để chụp ảnh với những ngôi đền nhỏ trên đường đi. Đây cũng là thời điểm để bạn bắt trọn khoảnh khắc bình minh đẹp nhất ở Nhật Bản. Ngoài ra, đi sớm vào ban ngày cũng giúp bạn có thêm nhiều thời gian để khám phá nơi này.
Vào ban đêm
Một lựa chọn cũng khá thú vị dành cho khách du lịch đó là tham quan đền Fushimi Inari vào ban đêm. Đến đây sau 10 giờ tối vào mùa đông, bạn sẽ cảm thấy chuyến đi bộ của mình vô cùng yên tĩnh và thư giãn. Tuy nhiên, trải nghiệm này không dành cho những ai yếu tim. Những con đường mòn nơi đây được thắp sáng nhưng có vẻ hơi ma mị trong màn đêm. Một kinh nghiệm dành cho bạn đó là nên mang theo một chiếc máy ảnh chất lượng tốt để có thể chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng.
Hướng dẫn cách đến chùa Fushimi Inari
Để đến đền thờ Fushimi Inari, bạn có thể lựa chọn hình thức di chuyển bằng tàu điện theo hướng dẫn sau:
- Xuất phát từ Osaka: Đi tàu Shinkansen ở Shin–Osaka đến ga Kyoto trên tuyến Tokaido Shinkansen và từ đó đi theo tuyến JR Nara đến ga Inari. Hoặc bạn cũng có thể đi các tàu Local của Keihan tới thẳng ga Inari.
- Xuất phát từ ga Kyoto: Từ ga Kyoto, bạn sẽ đi tuyến JR Nara. Ga Inari là nhà ga thứ hai dọc theo tuyến này và di chuyển khoảng 5 phút cho chuyến đi.
Nếu đi bằng xe bus, bạn sẽ dừng ở trạm Inari-taisha-mae và mất khoảng 7 phút đi bộ để tới đền. Trong khuôn viên đền thờ có bãi đỗ xe với sức chứa khoảng 170 chiếc, dành cho du khách đến viếng chùa.
Kinh nghiệm lưu trú trong chuyến khám phá Fushimi Inari
Để đến tham quan đền Fushimi Inari một cách nhanh chóng cũng như có nhiều thời gian khám phá hơn, bạn nên chọn lưu trú tại một khách sạn cách đó khoảng vài phút đi bộ. Điều này cũng thuận tiện hơn dành cho những ai muốn tham quan đền Fushimi Inari vào ban đêm. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Maison Fushimi: Một không gian phòng ở kiểu Nhật với chi phí tiết kiệm. Nơi này có một số phòng nghỉ sử dụng phòng tắm chung, cung cấp các dịch vụ giặt là, fax, photocopy. Tất cả các phòng nghỉ trong khu vực nhà khách đều trang bị máy pha cà phê. Một số căn bếp nhỏ có lò vi sóng, tủ lạnh, máy nướng bánh,… Với những phòng tắm riêng sẽ có phụ phí, từ £ 26/đêm.
- Anteroom Kyoto: Khách sạn nghỉ dưỡng này là nơi mà bạn có thể khám phá văn hóa Nhật Bản bởi các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày khá nhiều trong các phòng của khách sạn. Nơi đây trang bị xe đạp, máy tính cho khách sử dụng miễn phí. Khách sạn cách ga Kujo trên tuyến Karasuma khoảng 8 phút đi bộ và ga JR Kyoto chỉ cách đó 1 ga.
- Sakura Terrace: Nghỉ dưỡng ở đây bạn sẽ được thưởng thức đồ uống chào đón miễn phí tại quầy bar. Các phòng nghỉ được bố trí ấm cúng với TV, tủ lạnh và đầy đủ đồ vệ sinh cá nhân. Cách khách sạn khoảng 10 phút đi bộ là tháp Kyoto, đền Toji cách đó 15 phút đi bộ. Từ đây ra trạm xe buýt để đến đền Fushimi Inari mất khoảng 10 phút đi bộ.
Những địa điểm ăn uống nổi bật tại Fushimi Inari Taisha
Tham quan Fushimi Inari Taisha, bạn có thể thưởng thức một vài món ăn đặc trưng tại một số địa điểm gợi ý dưới đây:
Tiệm bánh Hougyokudo
Đây là một trong những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm trước khi vào bên trong đền. Chắc chắn bạn sẽ bị thu hút bởi hương vị thơm béo của những chiếc bánh quy may mắn tsujiura senbei và omikuji senbei. Đặc biệt là những câu châm ngôn được đầu bếp khéo léo kẹp vào trong từng chiếc bánh sẽ khiến bạn không khỏi trầm trồ.
Phòng trà Fushimi Inari Shrine-Chaya
Phòng trà Fushimi Inari Shrine-Chaya tọa lạc tại địa chỉ 1-10 Fukakusa Kaidocho, Fushimi-ku, Kyoto-shi, Kyoto. Nếu bạn muốn tận hưởng một không gian tĩnh lặng pha chút nét hiện đại của Nhật Bản thì phòng trà này cũng là điểm dừng chân lý tưởng.
Cửa hàng Sohonke Sogyoku-do
Đây là một tiệm bánh Senbei Inari rất nổi tiếng tọa lạc tại 27-7 Fukakusa Ichinotsubocho, Fushimi-ku, Kyoto. Mỗi chiếc bánh Senbei ở đây được tạo hình thành bộ mặt của một chú cáo – biểu tượng may mắn ở đền Fushimi Inari.
Vãn cảnh đền Fushimi Inari với hành trình đi bộ đường dài ngắm cảnh, khám phá các ngôi đền và những cánh cổng Torii rực đỏ chính là một cuộc hành hương tâm linh đầy thú vị. Nếu có dịp du lịch xứ Phù Tang, nhất định bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền linh thiêng này nhé. Hãy đồng hành cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật để có chuyến du lịch Nhật Bản trọn vẹn nhất.
0 Comment