Quả không sai khi xứ sở hoa anh đào được ví như “đất nước của những ngôi đền” khi có đến gần 10.000 đền thờ Thần Đạo trên khắp lãnh thổ. Theo tín ngưỡng của người dân nơi đây, đền Nhật Bản là một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của họ. Ngoài ra, đây cũng là một trải nghiệm văn hóa tâm linh và cảnh quan thiên nhiên mà hầu hết các du khách đều muốn khám phá khi du lịch Nhật Bản. Vì vậy, nếu bạn có dịp ghé thăm xứ sở Phù Tang thì đừng quên du ngoạn TOP 5 ngôi đền nổi tiếng nhất ở Nhật Bản được Du lịch Việt Nhật – VJ Links Travel bật mí ngay sau đây!

Những ngôi đền Nhật Bản thờ ai?

Những ngôi đền Nhật Bản được xây dựng để thờ Thần Đạo. Thần Đạo, tức con đường của các vị thần, còn được gọi là kami-no-michi hoặc Đạo Shinto. Đây là một tín ngưỡng tôn giáo có lịch sử lâu đời tại “đất nước mặt trời mọc”. Bản chất của tín ngưỡng này không phải chỉ thờ 1 vị thần duy nhất mà thờ chung nhiều vị thần khác nhau. Vì vậy, Thần Đạo không có người sáng lập hay có kinh sách riêng như những tín ngưỡng tôn giáo khác. 

Ngôi đền ở Nhật Bản được dựng xây để thờ Thần Đạo
Những ngôi đền ở Nhật Bản được dựng xây để thờ Thần Đạo (Đạo Shinto)

Ở Nhật Bản, không phải tất cả người dân đều theo Thần Đạo, tuy nhiên, đa số người dân đều tham gia các hoạt động nghi lễ của Thần Đạo. Vì lẽ đó mà Thần Đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như văn hóa tâm linh của đất nước Nhật Bản.

Cấu trúc đền thờ Thần Đạo Nhật Bản

Các ngôi đền Nhật Bản đều được xây dựng với kiến trúc rất đặc biệt bởi đây không chỉ là nơi cầu nguyện linh thiêng mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng và thu hút khách du lịch. Hầu hết các đền thờ ở Nhật Bản đều có chung lối kiến trúc đặc trưng như sau: 

Torii

Torro chính là chiếc cổng đền thờ đặc trưng và mang tính biểu tượng của Thần Đạo. Tất cả các đền thờ ở Nhật đều có cổng Torii và nó được ví như ranh giới giữa vùng đất thánh với nhân gian. 

Cổng Torii – Đặc trưng của các ngôi đền Nhật Bản
Cổng Torii – Đặc trưng của các ngôi đền Nhật Bản

Cổng Torii được thiết kế từ nhiều vật liệu và có màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, đa số các cổng đền Nhật Bản thường được làm bằng chất liệu gỗ và sơn màu cam, đỏ và đen. Tùy thuộc vào cấu trúc của mỗi ngôi đền mà sẽ có một hoặc nhiều cổng Torii. 

Máng nước rửa tay

Máng nước rửa tay thường được đặt ngay trước cổng đền Nhật Bản, có thể làm bằng đá hoặc tre nứa. Theo quy định chung, người đến tham quan đền thờ Thần Đạo phải rửa tay và súc miệng trước khi vào khu thờ phụng. Đây là cách để tẩy rửa sự ô uế trên người khi gặp các vị thần linh.

Máng nước ở đề Nhật Bản
Máng nước được trang bị phía trước đền để những ai viếng thăm gột rửa bản thân trước khi vào đền

Khu Komainu

Komainu là một cặp chó hoặc sư tử canh giữ đền. Khi đến các ngôi đền ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy Komainu được đặt tại lối vào đền thờ Thần Đạo. Tuy nhiên, riêng những đền thờ thần Inari thì Komainu là những con cáo chứ không phải chó hay sư tử.

Cặp sư tử canh giữ ngôi đền
Cặp sư tử canh giữ ngôi đền

Honden và Haiden

Honden và Haiden là khu vực thờ phụng các vị thần trong đền. Tùy theo phong cách của mỗi ngôi đền mà Honden và Haiden có thể được xây riêng biệt hoặc kết hợp chung trong một tòa nhà. Trong đó, Honden là nơi để thờ các vị thần linh và Haiden là nơi cho người dân đến cầu nguyện. Đây cũng chính là khu vực rộng lớn, linh thiêng và trang trọng nhất trong toàn bộ ngôi đền. 

Khu vực thờ phụng các vị thần ở đền Nhật Bản
Khu vực thờ phụng các vị thần được gọi là Honden và Haiden

Omikuji

Hầu hết các ngôi đền Nhật Bản đều có Omikuji – những lá thăm bằng giấy được treo trên cây trong đền. Đây là những lá thăm may mắn (Daikichi) hoặc xui xẻo (Daikyo) mà du khách sẽ rút ngẫu nhiên. Người Nhật tin rằng, khi buộc Omikuji xung quanh những cành cây trong đền thì may mắn sẽ trở thành hiện thực và có thể tránh được sự xui rủi. 

Những lá thăm may mắn hoặc xui xẻo được treo bên trong đền để du khách rút ngẫu nhiên
Những lá thăm may mắn hoặc xui xẻo được treo bên trong đền để du khách rút ngẫu nhiên

Khu Ema

Tại các đền thờ Thần Đạo Nhật Bản, bạn có thể viết mong muốn của bản thân lên những tấm gỗ (Ema) và treo lên trên cao với hy vọng ước nguyện sẽ thành hiện thực. Đa số mọi người sẽ cầu mong sức khỏe, bình an, thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống. 

Du khách viết ước nguyện lên các tấm gỗ (Ema) và treo lên cao phía bên trong đền
Du khách viết ước nguyện lên các tấm gỗ (Ema) và treo lên cao phía bên trong đền

Shimenawa

Shimenawa là một sợi dây bằng rơm dài được nối với những mảnh giấy trắng. Nó thường được dùng để đánh dấu một cái gì đó rất linh thiêng ở đền thờ Thần Đạo Nhật Bản. Bạn có thể bắt gặp Shimenawa được treo trên cổng Torii, buộc xung quanh tảng đá hoặc các cây linh thiêng trong đền. 

Shimenawa – sợi dây linh thiêng theo tín ngưỡng Thần Đạo
Shimenawa – sợi dây linh thiêng theo tín ngưỡng Thần Đạo

TOP 5 ngôi đền Nhật Bản nổi tiếng nhất

Nhật Bản nổi tiếng với hơn 10.000 đền thờ Thần Đạo trải dài trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, để khám phá những gì đặc trưng nhất của đạo Shinto, bạn có thể viếng thăm top 5 ngôi đền Nhật Bản nổi tiếng nhất dưới đây:

Đền Meiji Jingu, Tokyo

Đền Meiji Jingu là một trong những ngôi đền Nhật Bản nổi tiếng nhất, thờ phụng Thiên Hoàng Minh Trị Meiji Tenno và Hoàng Thái Hậu Shoken Kotaigo. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1920 và tọa lạc tại quận Shibuya, Tokyo. Đền Meiji Jingu không chỉ ấn tượng bởi nét kiến trúc độc đáo mà còn nhờ không gian trong lành, mang lại một cảm nhận yên tĩnh và thanh bình cho du khách ghé thăm. 

Đền Meiji Jingu – ngôi đền nổi tiếng nhất tại xứ sở hoa anh đào
Đền Meiji Jingu – ngôi đền nổi tiếng nhất tại xứ sở hoa anh đào

Vào mỗi dịp lễ đầu năm, đền Meiji Jingu tiếp đón hàng nghìn người đến đây để cầu sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Theo những gì ghi chép, Meiji Jingu cũng là ngôi đền có nhiều người viếng thăm nhất Nhật Bản vào dịp đầu xuân. Đặc biệt, đền Meiji Jingu còn là nơi diễn ra của nhiều đám cưới truyền thống theo nghi thức của đạo Shinto.

Đền Itsukushima, Hiroshima

Tọa lạc trên đảo Miyajima của tỉnh Hiroshima, đền Itsukushima hay còn được gọi là thần xã Itsukushima là một công trình thần đạo nổi tiếng tại Nhật Bản. Ngồi đền này được lập nên để thờ phụng 3 nữ thần là con gái của thần biển và bão Susano-o no Mikoto. Ngày nay, ngôi đền này còn thờ tướng Taira no Kiyomori – người có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng đền.

Đền Itsukushima nổi bật với chiếc cổng Torii ngay giữa biển Seto
Đền Itsukushima nổi bật với chiếc cổng Torii ngay giữa biển Seto

Tương truyền, kiến trúc nguyên thủy của ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ thứ VI, còn kiến trúc mới nhất hiện nay được xây dựng vào thế kỷ XII. Đền thờ Itsukushima đã được công nhận là di sản văn hóa UNESCO, trở thành một phần di sản văn hóa tâm linh của đất nước Nhật Bản. 

Điểm nổi bật nhất của ngôi đền này đó chính là cánh cổng Torii được xây ngay giữa biển Seto. Cổng Torii này được làm bằng gỗ long não, tuyết tùng nặng đến 60 tấn. Khi thủy triều dâng lên, cánh cổng đền phản chiếu bóng đỏ son trên mặt nước vô cùng huyền bí. Và khi nước rút thì có một lối dẫn vào đền hiện ra, mời gọi du khách đến viếng thăm. 

Đền Fushimi Inari Taisha, Kyoto

Đền Fushimi Inari Taisha cũng là một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Nhật Bản mà du khách không nên bỏ lỡ khi ghé thăm đất nước này. Ngôi đền được xây dựng vào năm 711 dưới chân núi Inari, Kyoto để cầu mùa màng bội thu. Đến năm 1499, các kiến trúc của đền đã được hoàn thiện. Nữ thần được thờ phụng ở đền là Inari – vị thần cai quản lúa gạo. 

Du khách ghé thăm đền Fushimi Inari Taisha sẽ phải đi qua hơn 1000 chiếc cổng Torii. Trên mỗi chiếc cổng đều để tên người, tổ chức đã đóng góp cho ngôi đền. Đi trên những con đường dày đặc cổng Torii tựa như một đường hầm. Cùng với đó là điện thờ bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ, thác nước và ao hồ tô điểm dọc theo những con đường. Đây chắc chắn là một địa điểm “check-in” thú vị của du khách khi viếng thăm nơi này. 

Đền Fushimi Inari Taisha được lấp kín bởi hàng nghìn chiếc cổng Torii
Đền Fushimi Inari Taisha được lấp kín bởi hàng nghìn chiếc cổng Torii

Đền Senso-ji, Tokyo

Senso-ji là một ngôi đền cổ nhất và cũng nổi tiếng nhất tại xứ sở hoa anh đào. Tượng thờ chính trong ngôi đền này là tượng Quan Thế  Âm Bồ Tát. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét cổ kính của thời đại Edo. 

Ngay tại cổng Kaminarimon, lối dẫn vào chùa Senso-ji có treo một chiếc đèn lồng lớn ngay chính giữa cổng đền. Tên gọi chính thức của cổng này là Fujin Raijin mon (cổng thần Sấm và thần Gió), phía bên phải đặt tượng thần Gió, bên trái là tượng thần Sấm.

Đền Senso-ji
Đền Senso-ji mamg nét cổ kính đặc trưng của đất nước Nhật

Đền Izumo Taisha, Shimane

Mặc dù không có tài liệu nào ghi nhận chính xác về thời gian xây dựng nhưng đền Izumo Taisa được biết đến là một trong những đền thờ Thần Đạo nổi tiếng nhất ở Nhật. Điện thờ chính bên trong đền được xây bằng gỗ có chiều cao lên đến 24m. Các cột trụ ở đây nối tiếp nhau tựa như một cầu thang bắc lên thiên đình. Đặc biệt, ngôi đền này còn có sợi dây linh thiêng shimenawa đan bằng lúa khô lớn nhất Nhật Bản – dài 13,5m và nặng khoảng 5 tấn.

Đền Izumo Taisha
Đền Izumo Taisha nổi tiếng với sợi dây linh thiêng shimenawa được đan bằng lúa khô lớn nhất Nhật Bản

Những lưu ý quan trọng khi viếng đền thờ Nhật Bản

Có thể thấy, những ngôi đền Nhật Bản là nơi thiêng liêng của người dân xứ sở Phù Tang và trở thành một phần văn hóa tâm linh vô cùng quan trọng. Nếu bạn có dịp viếng thăm các ngôi đền Nhật Bản thì hãy ghi nhớ những điều quan trọng sau đây:

Cúi chào trước khi bước qua cổng Torii

Bạn sẽ dễ dàng nhận diện được mình đang tham quan một ngôi đền thờ Thần Đạo nhờ vào cánh cổng Torii đặc trưng ngay trước đền. Chiếc cổng này vừa là biểu tượng, vừa được ví như ranh giới giữa cõi trần và nơi thanh tịnh. Chính vì vậy, trước khi bước vào đền và sau khi rời khỏi đền, bạn phải dừng lại và cúi chào ngay cổng Torri. 

Không đi bộ vào giữa đường sando

Đường sando là con đường dẫn lối vào các ngôi đền Shinto. Theo quan niệm của người dân Nhật Bản thì không nên đi vào giữa đường vì nơi đó được gọi là “seichuu” và chỉ dành riêng cho các vị thần. 

Gột rửa bản thân ở temizuya

Tại các ngôi đền Nhật Bản luôn chuẩn bị một chậu nước lớn bằng đá được gọi là temizuya nằm ở bên đường sando để du khách gột rửa bản thân sạch sẽ trước khi vào khu vực thờ phụng bên trong đền. Trước tiên, bạn cần lấy cái muôi ở bên tay phải, múc nước và rửa tay trái, sau đó đổi tay để rửa tay phải. Tiếp đến, cầm lại chiếc muôi bằng tay phải lấy thêm nước để súc miệng. Tuyệt đối không được kề chiếc muôi lên miệng mà chỉ được dùng tay để hứng nước. Cuối cùng là rửa lại tay trái và cất chiếc muôi về vị trí cũ. 

Những nguyên tắc cần ghi nhớ khi viếng thăm những ngôi đền Nhật Bản
Những nguyên tắc cần ghi nhớ khi viếng thăm những ngôi đền Nhật Bản

Rung chuông trước khi khấn vái

Các tín đồ theo Thần Đạo đều quan niệm rằng không nên đứng ở chính giữa ngôi đền, lý do tương tự với việc không được đi ở giữa đường sando. Đồng thời, hãy cúi chào một lần và nếu có chuông gần đó thì hãy rung chuông. Đây là cách để bạn thông báo với các vị thần rằng mình đang viếng thăm. 

Quyên góp tiền trước khi khấn vái

Cũng tương tự như trong đạo Phật, đạo Shinto cũng có các thùng tiền ủng hộ đặt tại các ngôi đền Nhật Bản. Các ngôi đền cũng không quy định về số tiền ủng hộ, do đó, du khách có thể bỏ tùy tâm. Tuy nhiên, mọi người đến đây cho rằng bỏ 5 yen (khoảng hơn 1.000 đồng) là tốt nhất bởi số tiền này đồng nghĩa với từ “gắn kết” (chỉ một mối quan hệ). 

Khấn thần phải cúi hai lần, vỗ tay hai lần và cúi thêm lần nữa

Khi khấn các vị thần trong đền thờ, bạn phải cúi chào hai lần, và trong lần cúi thứ 2, mặt phải hướng lên phía đền, cúi gập người thấp tới mức lưng phẳng và hông tạo thành góc 90 độ. Khi vỗ tay thì mu bàn tay phải hơi thấp hơn so với bên tay trái, mở rộng cánh tay tới vai và vỗ hai lần. Sau đó thu hai tay lại và hạ tay xuống để cầu nguyện. Sau khi khấn xong, hãy cúi chào thật thấp thêm một lần nữa. Ngoài ra, nhiều ngôi đền Nhật Bản sẽ có quy định riêng về cách khấn vái và bạn phải tuân theo. 

Gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Nhật, các ngôi đền Nhật Bản đã trở thành nét đặc trưng độc đáo và không thể thiếu tại “đất nước mặt trời mọc”. Vì vậy, nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản, bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá những ngôi đền Thần Đạo nổi tiếng nhất nhé!