Nhật Bản vốn là vùng đất phải chịu nhiều thiên tai như động đất, sạt lở, lũ lụt, hỏa hoạn,… Người Nhật tin rằng việc tổ chức lễ hội có thể cầu nguyện các vị thần phù hộ tránh khỏi mọi thiên tai cũng như dịch bệnh triền miên, không còn nỗi sợ hãi và sự phiền muộn. Đó cũng là lý do mà lễ hội Gion được ra đời và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản. Gion-Matsuri diễn ra chính thức ở thành phố Kyoto, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.
Nguồn gốc và lịch sử phát triển của lễ hội Gion ở Nhật Bản
Lễ hội Gion Nhật Bản ra đời bắt nguồn từ việc cầu nguyện thần linh phù hộ tránh khỏi mọi thiên tai dịch bệnh. Thực tế, vào năm 869, một dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên khắp đất nước Nhật, cướp đi tính mạng của rất nhiều người. Trước sự yêu cầu của người dân trên cả nước, hoàng đế Seiwa đã quyết định cầu khẩn thần linh dập tắt dịch bệnh. Người đã cho làm 66 cỗ xe cực kỳ xa hoa và tinh xảo, tượng trưng cho 66 tỉnh thành thời bấy giờ và diễu hành tới đền thờ Yasaka ở Kyoto để gửi lời cầu nguyện đến các vị thần. Sau đó không lâu, dịch bệnh dần được đẩy lùi. Kể từ đó, người dân ở Kyoto đều tổ chức rước kiệu từ đền Yasaka với mục đích cầu nguyện cho Nhật Bản tránh khỏi thiên tai dịch bệnh.
Gion Matsuri bắt đầu được tổ chức thường niên kể từ năm 970. Trong thời nội chiến Onin (1467-1477), lễ hội Gion từng bị tạm ngưng đến tận 33 năm và được khôi phục lại từ năm 1500.
Đền Yasaka chính là “cái nôi” của Gion Matsuri, nằm ở phía đông của Thành phố Kyoto, vốn là một trong những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng nhất vùng Kyoto. Hiện tại, lễ hội Gion (Gion-san) chính là một trong ba lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản cùng với Kanda của Tokyo và Tenshin của Osaka. Gion Matsuri đại diện cho nét truyền thống văn hóa của người Nhật Bản nói chung và người dân Kyoto nói riêng.
Thời gian diễn ra lễ hội Gion Matsuri
Thời gian diễn ra lễ hội Gion ở Nhật Bản kéo dài trong suốt 1 tháng, từ ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 31/7 hằng năm. Trong suốt thời gian tổ chức lễ hội, có rất nhiều sự kiện diễn ra. Để không bỏ lỡ những sự kiện đặc sắc nhất của Gion Matsuri thì bạn có thể tham khảo từng mốc thời gian sau đây:
- Từ ngày 01 – 05/07: Nghi lễ Kippu Iri khai mạc lễ hội, được thực hiện trong từng khu phố .
- Ngày 02/07: Nghi lễ Fujitora Shik lựa chọn thứ tự để diễu hành, diễn ra trong tòa hội đồng của đô thị.
- Ngày 07/07: Nghi lễ viếng thăm điện thờ của những đứa trẻ chigo (trẻ em làm nhiệm vụ giúp đỡ các nhà sư trong việc cử hành nghi lễ, ca hát) của Ayagasaboko .
- Ngày 10/07: Lễ diễu hành đèn lồng để chào đón đền thờ di động Mikoshi và lễ thanh tẩy Mikoshi Arai.
- Từ ngày 10 – 13/07: Hoạt động lắp ráp xe rước.
- Sáng 13/07: Lễ viếng thăm đền thờ của những đứa trẻ chigo của đền Naginata Hoko .
- Chiều 13/07: Lễ viếng thăm đền thờ của những đứa trẻ chigo của đền Kuse.
- Ngày 14/07: Yoiyoi Yoiyami – 1 trong 3 ngày trước lễ rước kiệu Yamaboko.
- Ngày 15/07: Yoiyoi Yama – 1 trong 3 ngày trước lễ rước kiệu Yamaboko.
- Ngày 16/07: Yoiyama – 1 trong 3 ngày trước lễ rước kiệu Yamaboko.
- Ngày 16/07: Yoiyama shinshin hono shinji – các cuộc biểu diễn nghệ thuật trên đường phố.
- Ngày 17/07: Màn diễu hành của các xe rước Yamaboko.
- Ngày 24/07: Màn diễu hành của mikoshi từ đền Yasaka đến thành phố.
- Ngày 24/07: Màn diễu hành của hanagasa hay chiếc ô hoa.
- Ngày 24/07: Màn diễu hành của mikoshi từ thành phố về đền Yasaka.
- Ngày 28/07: Mikoshi Aria, nghi lễ tẩy trần Mikoshi với nước thánh từ Sông Kamo .
- Ngày 31/07: Kết thúc lễ hội Gion tại đền thờ Eki.
Những nét đặc trưng ở lễ hội Gion ở Nhật Bản
Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài suốt một tháng
Rất nhiều lễ hội ở Nhật Bản được tổ chức với quy mô hoành tráng nhưng thông thường chỉ kéo dài từ 2 – 3 ngày hoặc lâu nhất là 5 ngày. Trong khi đó, lễ hội Gion ở Kyoto Nhật Bản diễn ra trong suốt 1 tháng (từ 1/7 đến 31/7 hằng năm). Điều này giúp cho du khách ở khắp mọi nơi có nhiều cơ hội tham gia lễ hội mà không cần phải tính toán quá nhiều về thời gian, lịch trình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trải nghiệm những sự kiện đặc sắc và đáng nhớ nhất của Gion Matsuri thì hãy lưu ý 3 mốc thời gian dưới đây:
- Ngày Yoiyama (14/7 – 16/7).
- Ngày Aki Matsuri (17/7).
- Ngày Ato Matsuri (24/7).
33 Kiệu rước độc đáo và lộng lẫy
Theo như trong truyền thuyết, Hoàng đế Seiwa đã cho làm 66 cỗ xe, đại diện cho 66 tỉnh thành vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 33 cỗ xe (kiệu rước) diễu hành trong lễ hội Gion.
Trong 33 chiếc kiệu rước này được chia thành 2 loại là Hoko và Yama. Hoko là loại kiệu lớn 2 tầng có trọng lượng từ 7 – 9 tấn (có khi lên đến 12 tấn), chiều cao lên tới 25m. Kiệu Hoko được thiết kế với 4 bánh xe lớn, đường kính khoảng 1.9m. Để có thể di chuyển chiếc kiệu khổng lồ này phải cần đến 40 – 50 người kéo (Hikiko), 4 người ngồi trên mái kiệu để kiểm soát kiệu di chuyển đúng với lộ trình (gọi là Yanekata), 2 người đứng phía trước kiệu hô khẩu hiệu (gọi là Ondori). Ngoài ra, ngồi trên kiệu còn có khoảng 35 – 40 người chơi nhạc cụ để tăng thêm sự khí thế cho lễ hội.
Khác với kiệu Hoko, Yama có thiết kế nhỏ hơn với trọng lượng dưới 1 tấn, được 14 – 24 người vác trên vai. Buổi diễu hành sẽ diễn ra ra với 24 kiệu Yama và 9 kiệu Hoko. Trong đó có một loại kiệu vô cùng đặc biệt đó là Yamaboko. Đây là chiếc kiệu lớn nhất với chiều cao lên đến 25m và năng 12 tấn.
Vào các ngày tâm điểm của lễ hội (ngày 17 và 24/7), kiệu Yamaboko sẽ diễu hành khắp các con đường. Một số nơi ở Kyoto còn phải thiết kế lại các công trình công cộng có khả năng thu gọn lại chỉ để phục vụ cho Yamaboko đi qua. Chứng kiến buổi lễ rước kiệu này, chắc chắn bạn sẽ phải trầm trồ về mức độ hoành tráng của lễ hội Gion.
Các hoạt động được tổ chức hoành tráng, công phu
Vì lễ hội Gion diễn ra trong suốt 1 tháng nên có rất nhiều hoạt động phong phú được đầu tư hoành tráng, công phu. Điều này giúp những người tham gia lễ hội không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Một số hoạt động tiêu biểu nhất được tổ chức trong tháng lễ hội Gion có thể kể đến như: diễu hành kiệu Yamaboko Junko, Omukae-Chochin – lễ rước để đón Mikoshi, lễ thanh tẩy Mikoshi-Arai, nghi lễ dựng kiệu Hoko và Yama, Gion Bayashi (lễ thử kéo kiệu Hoko và Yama), múa trừ tà Iwami Kagura,…
Thưởng thức ẩm thực đặc sắc trong lễ hội Gion
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng các hoạt động đặc sắc thì thưởng thức ẩm thực ở vùng Kyoto cũng là một trong những điều đặc trưng khi tham gia lễ hội Gion. Trong suốt 1 tháng tổ chức lễ hội, khu thương mại tại Kyoto sẽ trở thành khu vực bán đồ ăn cho người đi bộ với một dãy phố dài bao gồm nhiều quầy hàng bán các món ăn truyền thống của Nhật Bản.
Khi đến trung tâm thương mại của Kyoto vào thời điểm này, bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn đặc trưng tại Nhật Bản như Yakitori (gà xiên nướng), Takoyaki (bạch tuộc viên), Okonomiyaki (bánh xèo), Taiyaki (bánh cá nướng),… và rất nhiều món ăn hấp dẫn khác.
3 điều cần lưu ý khi tham gia lễ hội Gion Nhật Bản
Để thưởng ngoạn lễ hội Gion một cách trọn vẹn nhất, bạn nên lưu ý 3 điều quan trọng sau đây:
Nhà vệ sinh
Gion Matsuri là lễ hội có quy mô rất lớn thế nhưng hầu như không có nhà vệ sinh được dựng lên tạm thời. Do đó, bạn nên sử dụng nhà vệ sinh trong ga hoặc những cửa hàng tiện lợi có trên phố.
Thời tiết
Vào thời điểm diễn ra lễ hội Gion (tháng 7), ở Nhật Bản thường có những cơn mưa bất chợt lúc chiều tối. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị trước ô hoặc áo mưa để không làm gián đoạn quá trình tham gia lễ hội.
Tiền
Khi đến phố ăn vặt hoặc muốn mua quà lưu niệm, bạn cần chuẩn bị trước tiền lẻ để thuận tiện cho việc mua bán nhanh chóng, tránh bỏ lỡ những hoạt động thú vị ở lễ hội. Hãy đổi trước những loại tiền có mệnh giá cao như tờ 10,000 Yên.
Trải nghiệm lễ hội Gion chính là một trong những điều mà bạn không nên bỏ lỡ nếu đi du lịch Nhật Bản vào tháng 7. Như một cách thức để gìn giữ nét văn hóa truyền thống, lễ hội Gion ở Kyoto luôn được tổ chức định kỳ hằng năm và đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến xứ sở hoa anh đào.
Xem thêm bài viết khác:
>> Lịch đỏ Nhật Bản 2023: Chi tiết lịch nghỉ lễ tết tại Nhật
0 Comment