Lễ hội Tanabata còn được gọi là ngày lễ Thất tịch Nhật Bản. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa văn hóa sâu rộng đối với người dân đất nước mặt trời mọc. Lễ hội này có nhiều nét tương đồng với ngày lễ Thất tịch của Trung Quốc song vẫn giữ được những nét rất riêng trong văn hóa của người Nhật. Vậy lễ hội Tanabata Matsuri là gì? Nó có nguồn gốc từ đâu và diễn ra như thế nào? Cùng Du lịch Việt Nhật – VJ Links khám phá bí ẩn đằng sau lễ hội nổi tiếng này!

Tanabata là gì?

Tanabata (七夕) còn được gọi là ngày lễ Thất tịch của Nhật Bản, được diễn ra vào mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Cứ đến thời điểm này, xứ sở hoa anh đào lại chào đón những cơn mưa mát mẻ để xua tan cái nóng của mùa hè. Tương truyền rằng, những cơn mưa này là giọt nước mắt của tiên nữ Orihime và chàng chăn bò Hikoboshi khi cả hai được gặp lại nhau sau một năm dài xa cách. 

Lễ hội Tanabata Matsuri dựa trên câu chuyện của Orihime và Hikoboshi
Lễ hội Tanabata Matsuri dựa trên câu chuyện của Orihime và Hikoboshi

Câu chuyện tình yêu trong truyền thuyết của Hikoboshi và Orihime khá tương đồng với câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, người dân Nhật Bản không chỉ nhắc đến câu chuyện tình yêu đầy nước mắt này mà còn chào đón một lễ hội lớn mang đậm văn hóa bản địa, đó chính là lễ hội Tanabata Matsuri. 

Nguồn gốc lễ hội Tanabata Nhật Bản

Lễ hội Tanabata Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với lễ hội Qixi của Trung Quốc. Nếu trong văn hóa Trung Quốc, ngày lễ Thất tịch gắn liền với câu chuyện tình buồn của Ngưu Lang – Chức Nữ thì tại Nhật Bản cũng lưu truyền câu chuyện tình giữa hai nhân vật Orihime – Hikoboshi. 

Tương truyền, Thiên Đế có một người con gái không những xinh đẹp tuyệt trần mà còn nổi tiếng với tài dệt vải, tên là Tanabata-tsume (còn được gọi là Orihime – 織姫). Nàng công chúa xinh đẹp đã gặp và rơi vào lưới tình với chàng chăn bò Hikoboshi (彦星) tốt bụng. Họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, kết hôn ngay sau đó và có cuộc sống bên nhau vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, dần dần cả hai lại trở nên lơ là với công việc của mình: khung cửi dệt vải từ lâu đã bị bỏ ngỏ, đàn bò cũng không ai coi sóc để rồi đi lạc lên đến tận cung trời. Chính điều này đã khiến Thiên Đế trở nên giận dữ và quyết định tách hai người về hai bên bờ sông Amanogawa (天の川 – Sông Ngân Hà).

Orihime và Hikoboshi chỉ có thể gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch
Orihime và Hikoboshi chỉ có thể gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch 

Nàng Orihime vô cùng khổ sở và tuyệt vọng khi bị buộc rời xa chồng mình. Chính những giọt nước mắt của nàng đã khiến Thiên Đế cảm động và cho phép hai người gặp nhau duy nhất mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. 

Tuy nhiên, vào năm đầu tiên, cả hai đã phát hiện rằng họ không thể qua sông để gặp nhau vì không có cây cầu nào ở Amanogawa. Orihime đã khóc tuyệt vọng đến mức đàn chim ô thước đã đến và hứa sẽ làm nên một cây cầu bằng chính đôi cánh của chúng để họ có thể qua sông. Thế nhưng, nếu trời mưa thì đàn chim không thể đến và hai người sẽ không thể gặp nhau mà chỉ có thể chờ đến năm sau. 

Thời gian diễn ra lễ hội Tanabata 

Nhật Bản đã chuyển sang sử dụng Dương lịch (lịch Gregory) từ năm 1872, do vậy mà lễ hội Tanabata cũng được tổ chức vào ngày 7/7 dương lịch hằng năm ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, nhiều nơi khác tại Nhật vẫn sử dụng âm lịch để tính ngày lễ. Chính vì thế sẽ có sự khác nhau chút ít về thời điểm diễn ra lễ hội trên khắp Nhật Bản. 

Lễ Thất tịch Nhật Bản diễn ra như thế nào? Ý nghĩa là gì?

Tanabata là một trong những lễ hội dân gian mang ý nghĩa đặc biệt đối với người Nhật. Dù ở vùng miền nào, lễ hội cũng được tổ chức một cách rất trang trọng. Mỗi nơi lại có những khác biệt nhất định về phong tục, văn hóa, nếp sống, do vậy mà lễ hội cũng được biến tấu với những màu sắc rất riêng. Thế nhưng nhìn chung, trong dịp lễ đặc biệt này, mọi người thường sẽ cầu nguyện và hy vọng ước muốn sẽ trở thành hiện thực. 

Điểm đặc trưng dễ dàng nhìn thấy trong lễ hội Tanabata Matsuri đó chính là những mẩu giấy nhỏ được treo lên cành tre. Mỗi mẫu giấy đều gắn liền với một lời cầu nguyện, một điều ước và những món đồ trang trí dễ thương. Sau khi lễ hội kết thúc, cây tre cùng với những món đồ này sẽ được đưa lên thuyền trôi sông hoặc đốt đi.

Lời ước nguyện được viết vào mẩu giấy nhỏ và treo lên cành tre
Lời ước nguyện được viết vào mẩu giấy nhỏ và treo lên cành tre

Đến với lễ hội, bạn sẽ dễ dàng thấy được chỉ có 5 màu sắc trang trí chính gồm: hồng, vàng, trắng, đen và xanh lục. Những màu sắc này dựa trên thuyết ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ mà có. Bên cạnh việc ghi điều ước lên giấy, nhiều người cũng đến các đền thờ vào ngày này để cầu mong tìm được ý chung nhân. 

Những lễ hội Tanabata nổi tiếng 

Lễ hội Tanabata là lễ hội truyền thống được tổ chức trên khắp xứ sở phù tang vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm. Trong đó, lễ hội Tanabata ở Sendai và Kantō gây được nhiều tiếng vang và thu hút rất nhiều người đến tham dự. 

Lễ hội Tanabata tại Sendai

Sendai là nơi diễn ra lễ hội Tanabata nổi tiếng nhất Nhật Bản. Tại đây, lễ hội được tổ chức từ ngày 6 – 8/8 Dương lịch để phù hợp với tính thời vụ của lễ hội cũ. Lễ hội Tanabata Sendai đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác như một nghi lễ truyền thống bắt nguồn từ thời đại của chúa tể Masamune. Cho đến nay, lễ hội vẫn rất thu hút du khách và người dân địa phương tham gia bởi cách trang trí lộng lẫy và những hoạt động tham quan, cầu nguyện. 

Sendai là nơi có Tanabata Matsuri nổi tiếng nhất Nhật Bản
Sendai là nơi có Tanabata Matsuri nổi tiếng nhất Nhật Bản

Lễ hội Tanabata tại Kantō

Khu vực Kantō là một trong những nơi có lễ hội Tanabata lớn nhất, có tên gọi Shonan Hiratsuka Tanabata. Lễ hội được tổ chức vào ngày 7/7 hằng năm tại Hiratsuka, Kanagawa, nổi bật với các món đồ trang trí đầy màu sắc treo dọc các con phố. Tanabata tại Kantō thường bắt đầu vào khoảng 10 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối. Riêng vào thứ 6 và thứ 7 sẽ có các cuộc diễu hành diễn ra xung quanh khu shotengai phía Bắc của Ga Hiratsuka.

Những vật trang trí đặc trưng trong lễ hội Tanabata

Lễ hội Tanabata không chỉ là dịp người Nhật nhắc lại câu chuyện của Orihime – Hikoboshi mà còn chào đón ngày lễ mang đậm tín ngưỡng và văn hóa truyền thống. Trong ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh các món đồ trang trí đặc trưng của lễ hội như: 

Tanzaku

Tanzaku (短冊) còn gọi là giấy ngũ sắc, là các mẩu giấy nhỏ được sử dụng để ghi lời cầu nguyện, điều ước của mọi người và treo lên cành tre. Tương truyền, Tanzaku có 5 màu sắc khác nhau dựa theo thuyết âm dương ngũ hành, đó là: đỏ, vàng, trắng, đen, xanh. Cũng có nguồn tin cho rằng, 5 màu sắc này là đại diện cho những đức tính của con người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Bạn có thể lựa chọn mẩu giấy có màu sắc phù hợp với tính cách hoặc bản mệnh và ghi vào đó những điều ước, lời cầu nguyện của mình. 

Tanzaku là giấy ngũ sắc được dùng để ghi lời cầu nguyện
Tanzaku là giấy ngũ sắc được dùng để ghi lời cầu nguyện

Fukinagashi

Fukinagashi (吹き流し) là những cột giấy lớn, đại diện cho những sợi chỉ mà công chúa Orihime sử dụng để dệt vải. Cột giấy này có kích thước khổng lồ với phần bên trên là một quả bóng giấy lớn và bên dưới là những dải màu bằng giấy rũ dài. Những dải màu bên dưới thường có rất nhiều màu sắc đồng thời còn được trang trí họa tiết đẹp mắt như: hoa, lá, con vật,… Trong lễ hội Tanabata Matsuri, cột giấy này mang ý nghĩa cầu mong cho ngành dệt may luôn phát triển bền vững. 

Fukinagashi là những cột giấy lớn đại diện cho ngành dệt may
Fukinagashi là những cột giấy lớn đại diện cho ngành dệt may

Orizuru

Orizuru (折鶴) là những chú hạc giấy được tạo hình đặc sắc thông qua nghệ thuật gấp giấy Origami nổi tiếng. Đây là một trong những món đồ trang trí nổi bật và không thể thiếu trong ngày lễ Thất tịch của Nhật Bản. Chim hạc được xem là biểu tượng của sự trường tồn, sức sống mạnh mẽ và sự bền vững. Chính vì thế, việc gấp hạc giấy mang ý nghĩa mong ước có được sức khỏe tốt, sự dẻo dai và mạnh mẽ để đương đầu với khó khăn. 

Những chú hạc giấy đầy màu sắc Orizuru
Những chú hạc giấy đầy màu sắc Orizuru

Toami

Trong ngày lễ Thất tịch Nhật Bản còn xuất hiện hình ảnh Toami – những chiếc lưới đánh cá bằng giấy. Nếu cột giấy Fukinagashi là đại diện cho ngành dệt thì những chiếc lưới đánh cá Toami chính là mong ước của các ngư dân đồng thời cũng là lời cảm ơn đến biển cả đã mang đến nguồn sống dồi dào cho họ.

Kinchaku

Món đồ trang trí tiếp theo không thể thiếu trong lễ hội Tanabata Nhật Bản đó chính là Kinchaku (巾着). Đây được xem là chiếc túi đựng tiền được mọi người gấp cẩn thận bằng giấy Origami và trang trí trong lễ hội. Chiếc túi đựng tiền này mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn và thuận lợi sẽ đến với công việc kinh doanh, buôn bán. 

Kinzaku là biểu tượng cho tài lộc, vận may trong kinh doanh
Kinzaku là biểu tượng cho tài lộc, vận may trong kinh doanh

Kamiko

Kamiko dùng để chỉ loại búp bê giấy mặc áo Kimono hoặc đôi khi chỉ đơn giản là chiếc áo Kimono được gấp từ giấy Origami. Trong ngày lễ Thất tịch, Kamiko mang nhiều ý nghĩa rất đặc biệt. Trước tiên là lời mong ước cho ngành dệt may phát triển. Ngoài ra, người Nhật còn tin rằng búp bê Kamiko sẽ giúp con người gánh chịu những thảm họa, bệnh tật hay điều không may. 

Kamiko là búp bê giấy hoặc chiếc áo Kimono được gấp từ giấy Origami
Kamiko là búp bê giấy hoặc chiếc áo Kimono được gấp từ giấy Origami

Kuzukago

Người Nhật vốn nổi tiếng bởi sự kỷ luật, sạch sẽ và ngăn nắp. Điều này cũng được thể hiện trong lễ hội thông qua món đồ đặc biệt – Kuzukago. Đây là một loại túi rác được làm bằng giấy, được đặt dọc các con phố diễn ra lễ hội. Mục đích là để nhắc nhở con người rèn luyện đức tính cần kiệm đồng thời phải biết giữ mọi thứ luôn sạch sẽ và gọn gàng. 

Những sự kiện nổi tiếng diễn ra trong lễ hội Tanabata

Lễ hội Tanabata Nhật Bản được tổ chức với quy mô lớn ở nhiều nơi. Trong suốt mùa lễ hội, du khách và người dân địa phương có thể tham gia hàng loạt các sự kiện nổi bật như: 

Lễ hội Ánh sáng Dải Ngân Hà – Amanogawa Illumination

Amanogawa Illumination là sự kiện ánh sáng nổi bật được diễn ra bên trong Tokyo Tower. Trong suốt sự kiện, hàng triệu bóng đèn LED được ghép nối lại với nhau để tái hiện nên dải ngân hà đầy màu sắc giữa bầu trời đêm. Màu sắc không đơn điệu mà thay đổi liên tục tạo nên khung cảnh ánh sáng vô cùng rực rỡ. Đặc biệt, nếu bạn mặc Yukata hoặc Jinbei khi vào thăm quan, bạn có thể được giảm giá vé vào tầng biểu diễn chính. Đến đây, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Tokyo về đêm đầy náo nhiệt từ trên cao. 

Lễ hội Ánh sáng Dải Ngân Hà
Lễ hội Ánh sáng Dải Ngân Hà

Lễ hội cầu nguyện Tanabata

Cầu nguyện là nghi thức truyền thống trong lễ hội Tanabata Nhật Bản. Vào ngày 7 tháng 7 hằng năm, nhiều người dân sẽ đến đến thờ Thần đạo Tokyo Daijingu (東京大神宮) để cầu nguyện. Bạn có thể đăng ký trước để được nhận bùa Tanabata và quà lưu niệm khi đến Tokyo Daijingu vào ngày lễ Thất tịch. 

Sự kiện thắp sáng cây Tre nguyện ước tại Đền Kibune

Sự kiện thắp sáng cây Tre nguyện ước được tổ chức tại đền thờ Kifune (貴船神社) ở Kyoto. Thời điểm trời bắt đầu tối, người dân sẽ thắp đèn để chiếu sáng cây Tre nguyện ước bằng rất nhiều món đồ trang trí và vật phẩm cầu nguyện làm từ giấy. Mọi người cũng viết những điều ước vào các mẩu giấy nhỏ và treo lên cây tre để gửi lời khẩn cầu đến thần linh. 

Sự kiện thắp sáng cây Tre nguyện ước tại Đền Kibune
Sự kiện thắp sáng cây Tre nguyện ước tại Đền Kibune

Lễ hội Sao – The Star Festival

Lễ hội Sao là sự kiện ánh sáng được tổ chức vào dịp lễ Tanabata tại Tháp Fukuoka, Nhật Bản. Tương tự như tại Tokyo Tower, nếu bạn mặc trang phục truyền thống Nhật Bản như Yukata hay Jinbe đến tham quan, bạn sẽ được giảm giá vé vào cổng. Ngoài ra, tại đây cũng có dịch vụ thắp sáng trái tim dành riêng cho các cặp đôi trong lễ hội Sao để kỷ niệm cuộc gặp mặt của Orihime và Hikoboshi sau một năm dài xa cách. 

Người Nhật ăn gì trong lễ hội lễ hội Tanabata Matsuri 

Mì Somen

Đến với lễ hội Tanabata Matsuri, bạn chắc chắn không thể bỏ qua món mì Somen đặc trưng. Đây là loại mì lạnh của Nhật, được mệnh danh là món ăn nổi tiếng của ngày hè. Món mì này hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị thơm ngon của nó mà còn bởi cách thưởng thức cực kỳ độc đáo. Thay vì được đặt trong tô và phục vụ cùng nước dùng, mì Somen lại được thả trôi theo các ống tre và thực khách phải dùng đũa để gắp những cuộn mì này. Mì Somen sau đó được dùng chung với nước đá, các loại rau xanh, thịt lợn và nước sốt tsuyu đặc trưng. 

Thưởng thức mì Somen ống tre cực kỳ độc đáo
Thưởng thức mì Somen ống tre cực kỳ độc đáo

Những món ăn liên quan đến măng, tre

Theo quan niệm của người Nhật, luôn có một vị thần trú ngụ trong lá tre hay hốc tre. Do vậy, việc thưởng thức các món ăn liên quan đến măng hoặc tre thường mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và những điềm rủi. Trong dịp lễ Tanabata, người Nhật thường ăn cơm cùng các món măng hay bánh bao đậu đỏ được gói bằng lá tre. 

Đồ ăn được trang trí, cắt tỉa hình ngôi sao

Tanabata còn được gọi là Lễ hội Ngôi sao, do vậy không ít gia đình Nhật Bản sẽ chuẩn bị các món ăn có hình ngôi sao để cùng thưởng thức với gia đình và bạn bè. Họ thường trang trí cơm hộp với đậu bắp cắt nhỏ, cắt tỉa rau củ hình ngôi sao hoặc ăn các món bánh kẹo có hình sao nhiều màu sắc. 

Những món ăn trang trí hình sao được thưởng thức vào lễ Thất tịch Tanabata
Những món ăn trang trí hình sao được thưởng thức vào lễ Thất tịch Tanabata

Lời kết

Lễ hội Tanabata tuy không được liệt kê vào các sự kiện quan trọng nằm trong ngày lễ quốc gia của Nhật Bản song đây lại là lễ hội mang đậm văn hóa và tín ngưỡng. Với nhiều ý nghĩa và triết lý sâu sắc, lễ Thất tịch Nhật Bản đã trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu của đất nước mặt trời mọc. Nếu có dịp ghé thăm Nhật Bản vào mùa hè, bạn nhất định phải lên lịch trình khám phá lễ hội đặc biệt này nhé!