Đất nước Nhật Bản có rất nhiều đền thờ linh thiêng, cổ kính cùng văn hóa tín ngưỡng dân gian lâu đời. Việc xin quẻ bói và xem vận may cũng trở thành một trong những phong tục dân gian độc đáo của người Nhật xưa nay. Đặc biệt, vào những dịp đặc biệt quan trọng hay lễ tết, người Nhật thường đến các đền thờ để thực hiện phong tục rút quẻ bói Omikuji. Vậy Omikuji là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục này ra sao? Cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Omikuji là gì?
Ở phần này, trước tiên ta sẽ cùng tìm hiểu Omikuji là gì. Omikuji là loại quẻ bói bằng giấy, bên trên được in những lời tiên đoán may rủi. Từ lâu đời, phong tục rút quẻ bói Omikuji đã trở thành một nét văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tinh thần của người Nhật. Mỗi khi đứng trước những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, chính trị, Thiên Hoàng lại sử dụng Omikuji như một công cụ để kết nối tâm linh với các vị thần.
Cho đến nay, Omikuji vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của xứ sở phù tang. Mọi người sử dụng quẻ bói đặc biệt này để tiên đoán vận mệnh của mình trong năm, có thể là về tiền tài, công việc, tình yêu, học tập,… Omikuji Japan vẫn là yếu tố văn hóa mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng của người Nhật song không còn quá nặng nề như thời kỳ trước đây.
Nguồn gốc và lịch sử quẻ bói Omikuji Nhật Bản
Quẻ bói Omikuji được tạo ra bởi Ryoigen – vị trụ trì thứ 18 của ngôi chùa Enryakuji vào năm 912 – 985. Thời điểm đó, mỗi khi có các quyết định trọng đại liên quan quốc gia hay chọn người kế vị, Thiên Hoàng Nhật Bản sẽ thực hiện rút quẻ bói để lắng nghe ý kiến của thần linh. Thời điểm đó, quẻ bói Omikuji vẫn chưa thực sự phổ biến mà cho đến tận đầu thời kỳ Kamakura (1192), nó mới được sử dụng nhằm mục đích tiên đoán vận mệnh của con người.
Đến nay, người dân Nhật Bản vẫn còn lưu giữ phong tục rút quẻ bói và tiên đoán vận mệnh. Đây cũng chính là một trong những nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của xứ sở phù tang.
Phong tục rút quẻ Omikuji Japan phổ biến ra sao?
Phong tục rút quẻ bói Omikuji ở Nhật hiện nay rất phổ biến, diễn ra hằng năm và đặc biệt vào dịp đầu năm mới. Với văn hóa tín ngưỡng lâu đời, mỗi đầu năm mới người Nhật đều sẽ đến các đền thờ, chùa chiền để rút quẻ. Sau đó dựa vào quẻ bói này để biết được vận mệnh của mình trong năm, có gặp may mắn hay niềm vui mới hay không. Phong tục này không chỉ phổ biến với người dân Nhật Bản mà còn lan rộng đến cả những du khách nước ngoài từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Phong tục rút quẻ bói Omikuji diễn ra như thế nào?
Bạn có thể đến các đền thờ, chùa chiền tại Nhật Bản để rút cho mình một quẻ bói Omikuji và tiên đoán vận mệnh của bản thân. Khi xin quẻ bói, bạn sẽ cần tốn một chút phí, chỉ dao động từ 100 – 200 yên. Mức phí này cũng tương tự như việc cúng dường công đức cho đền chùa.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, phong tục rút quẻ bói Omikuji Japan cũng có những nguyên tắc riêng phải tuân theo. Cụ thể:
Thăm viếng và lễ bái đền chùa
- Trước khi rút quẻ, bạn nên thăm viếng và lễ bái đền chùa nhằm thể hiện sự tôn kính dành cho các vị thần cũng như thể hiện lòng thành của mình.
- Trước khi thực hiện lễ bãi, bạn cũng cần thực hiện nghi thức rửa sạch tay và miệng tại khu vực giếng tẩy rửa Chouzuya. Mục đích là để thanh lọc cơ thể trước khi đặt chân vào chánh điện – nơi các vị thần cư ngụ. Đây được xem là nghi thức đặc trưng có ở hầu hết các đền thờ tại Nhật.
Thành tâm cầu khấn thần linh và rút quẻ bói
Sau khi thực hiện thăm viếng và lễ bái các vị thần, bạn có thể tiến đến khu vực rút quẻ xăm. Sẽ có một hộp gỗ nhỏ có chứa các thẻ tre đánh số của quẻ xăm. Lúc này, bạn cần thành tâm cầu khấn các vị thần cũng như nghĩ đến điều mà mình muốn tiên đoán cho vận mệnh trong năm mới. Tiếp đến là lắc hộp gỗ để quẻ xăm tre rơi ra ngoài, trên quẻ xăm này sẽ có chứa một con số tương ứng với ngăn gỗ đựng Omikuji. Dựa vào đó, bạn có thể lấy được quẻ bói Omikuji cho mình.
Thứ tự quẻ bói trong Omikuji
Quẻ xăm Omikuji được tính theo thứ tự riêng từ Daikichi (Đại cát) cho đến Daikyo (Đại hung). Theo đó, quẻ xăm này bao gồm tất cả 13 loại (nhiều nơi chỉ có 7 loại) với thứ tự được tính theo 2 kiểu như sau:
(1) Daikichi (大吉) → Kichi (吉) → Chu-kichi (中吉) → Sho-kichi (小吉) → Sue-kichi (末吉) → Kyo (凶) → Daikyo (大凶).
Tương ứng với: Đại cát → Cát → Trung cát → Tiểu cát → Vô cát → Hung → Đại hung.
(2) Daikichi (大吉) → Chu-kichi (中吉) → Sho-kichi (小吉) → Kichi (吉) → Sue-kichi (末吉) → Kyo (凶) → Daikyo (大凶).
Tương ứng với: Đại cát → Trung cát → Tiểu cát → Cát → Vô cát → Hung → Đại hung.
Mỗi đền thờ sẽ có những thay đổi về thứ tự quẻ bói khác nhau. Do vậy, trước khi rút quẻ bói, bạn nên hỏi rõ để hiểu hơn cách tính quẻ xăm.
Giải nghĩa nội dung quẻ bói Omikuji
Cũng tương tự như các quẻ xăm trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Omikuji Japan cũng có nội dung tiên đoán về tương lai, vận mệnh của con người trong năm. Cụ thể, nội dung dự đoán có thể liên quan đến công việc, sự nghiệp, tiền bạc, tình yêu, sức khỏe,… Mỗi quẻ xăm sẽ đại diện cho một điềm may hoặc rủi.
Nội dung của quẻ xăm Omikuji đều được viết bằng tiếng Nhật. Do vậy nếu bạn không biết tiếng Nhật hoặc chỉ mới biết giao tiếp tiếng Nhật cơ bản, sẽ khó có thể hiểu được quẻ xăm đang biểu thị điều gì. Bạn có thể nhờ những người am hiểu tiếng Nhật hoặc các thông dịch viên, hướng dẫn viên trong đoàn du lịch giải nghĩa giúp mình.
Làm gì sau khi rút được quẻ bói Omikuji?
Nếu bạn rút được quẻ bói Omikuji với nội dung không tốt như mong muốn thì không nên rút ngay một quẻ khác mà nên chờ thời điểm khác thích hợp hơn. Với quẻ xăm không tốt, bạn có thể cuộn tròn lại và buộc vào những dây thừng (Mikujikake) đã được chuẩn bị sẵn trong đền chùa. Hoặc bạn cũng có thể đặt chúng lên những bức tường tại các đền chùa này.
Trường hợp rút được quẻ bói là vận may, bạn cũng có thể buộc chúng lên cây thông để cầu mong thêm nhiều điều may mắn hơn sẽ đến. Hoặc bạn cũng có thể mang Omikuji theo bên mình như một lá bùa hộ mệnh.
Lời kết
Phong tục rút quẻ bói Omikuji là một nét đặc sắc trong văn hóa của xứ sở phù tang. Nếu có dịp tìm hiểu phong tục này tại Nhật Bản, bạn đừng nên quá đặt nặng mà hãy coi đó là trải nghiệm phong tục của một nền văn hóa mới. Thử rút cho mình một quẻ Omikuji và xem vận may trong năm của mình như thế nào nhé!
Xem thêm bài viết khác:
>> Du xuân đầu năm: Ghé thăm 5 ngôi đền Nhật Bản linh thiêng
>> Làng cổ Oshino Hakkai – Ngôi làng thanh bình của nước Nhật
0 Comment