Nghệ thuật thư pháp là một trong những loại hình văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Loại hình này gia nhập vào Nhật Bản từ khá sớm, trong đó, Shodo là nghệ thuật thư pháp nổi tiếng nhất. Nét đẹp của thư pháp Nhật Bản đến từ sự đơn giản nhưng vẫn đậm chất riêng, thể hiện nét đặc trưng văn hóa Nhật. Nếu bạn quan tâm đến loại hình nghệ thuật này thì hãy cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Thư pháp Nhật Bản là gì?
Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản (trong tiếng Nhật gọi là Shodo) là một trong những loại hình nghệ thuật thị giác nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào. Theo một thống kê, trong số 127 triệu người Nhật Bản, có đến gần 10 triệu người tham gia viết thư pháp. Như vậy, có thể thấy đây là một bộ môn nghệ thuật được đánh giá cao ở đất nước Nhật.
Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản ra đời vào khoảng thế kỷ VI và chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa. Tuy nhiên, người Nhật đã có những cách tân riêng nhằm tạo nên một trường pháp nghệ thuật thư pháp đậm chất riêng, trong đó tiêu biểu nhất là hệ thống chữ Cana. Loại hình nghệ thuật nổi tiếng này bao hàm trong nó cảm quan mang tính tâm linh và tinh thần.
Nguồn gốc của thư đạo Nhật Bản (Shodo)
Shodo là nghệ thuật thư pháp Nhật Bản nổi tiếng nhất và có nguồn gốc từ xa xưa. Là một loại hình nghệ thuật truyền thống và lâu đời ở Nhật, cho đến nay, nghệ thuật thư pháp Nhật Bản vẫn được lưu truyền rộng rãi.
Vào thời kỳ cổ đại của Nhật Bản, nghệ thuật thư pháp Trung Quốc được gia nhập vào Nhật Bản khá sớm. Tuy nhiên, đến năm 749 thì nghệ thuật này mới có được những phong cách riêng biệt. Tại Nhật, nghệ thuật này được gọi là thư đạo và người Nhật đã sáng tạo nên phong cách thư pháp đậm chất riêng theo bảng chữ cái của mình và đó chính là Shodo. Hiện nay Shodo là một bộ ngôn nghệ thuật đặc sắc ở Nhật Bản được nhiều người biết đến. Với những đặc trưng về kiểu chữ cũng như sự sáng tạo riêng biệt mà Shodo ngày càng được lưu truyền và gìn giữ như một giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật.
Những dụng cụ cơ bản để tạo thư pháp hoàn chỉnh
Những dụng cụ truyền thống để viết thư pháp một cách hoàn chỉnh bao gồm:
Giấy Nhật (Washi)
Washi là một loại giấy đặc biệt được làm bằng sợi từ gạo, tre hoặc lá chuối. Giấy được làm hoàn toàn thủ công và không sử dụng những thành phần hóa học. Điều này giúp cho giấy đảm bảo độ bền vượt trội so với các loại giấy thông thường.
Bút lông/Cọ (Fudé)
Bút lông/cọ viết thư pháp có nhiều loại, kích cỡ và độ dày. Lông cọ thường được làm từ lông của động vật, phổ biến nhất là lông cừu, lông dê, bờm ngựa,… Cán bút làm từ gỗ, tre hoặc ngày nay cũng có thể làm từ nhựa hay nhiều vật liệu khác.
Thỏi mực (Sumi)
Mực viết thư pháp làm từ than củi, có thể ở dạng rắn và cần được pha loãng với nước để sử dụng. Tuy vậy, nghệ thuật truyền thống khuyến nghị sử dụng chất rắn, do quá trình chuẩn bị và pha loãng mực được xem là thời điểm tập trung – khơi gợi cảm hứng sáng tác nghệ thuật cho các nghệ sĩ.
Nghiên mực (Suzuri)
Nghiên mực được dùng để mài mực (mài thỏi mực với nước).
Lót giấy (Shitajiki)
Lót giấy dùng để đặt dưới giấy, tránh để mực bị thấm ra ngoài.
Chặn giấy (Bunchin)
Dụng cụ chặn giấy thường được làm bằng sắt hoặc gốm, giúp giữ cố định tờ giấy, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ viết thư pháp, tránh những sai sót có thể xảy ra khi tờ giấy di chuyển.
Ấn (chiện)
Nghệ thuật khắc ấn trong thư pháp Nhật Bản gọi là tenkoku. Các học viên viết thư pháp được khuyến khích tự khắc ấn riêng cho mình. Vị trí khắc dấu chiện tùy thuộc vào quan niệm thẩm mỹ của mỗi người.
Hướng dẫn cách viết thư pháp Nhật Bản đúng chuẩn
Cách viết thư pháp đúng chuẩn cần đảm bảo về 3 yếu tố đó là: tư thế ngồi, cách cầm bút lông và trang phục khi viết thư pháp. Cụ thể:
Tư thế ngồi
Tư thế viết thư pháp cơ bản là ngồi quỳ thẳng lưng trên đệm. Nếu không quen với việc ngồi quỳ, hoặc bị đau lưng, đau khớp thì có thể ngồi thẳng trên ghế hoặc dùng các thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là không được nghiêng vào bàn làm việc.
Cách cầm bút lông
Trước khi viết thư pháp là hành động mài mực. Hãy cho một ít nước vào nghiên rồi mài một cách nhẹ nhàng, tập trung cao độ, sau một lúc, mực sẽ hòa với nước tạo thành dung dịch mực.
Tiếp theo, dùng bút lông/cọ chấm vào mực, lưu ý cầm vào khoảng giữa cây bút và giữ bút bằng 3 ngón (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa). Nếu viết bằng bút chì thì nên nghiêng bút một chút nhưng khi sử dụng bút lông phải chú ý luôn giữ bút thẳng đứng.
Trang phục khi viết thư pháp
Trang phục khi viết thư pháp có thể là bất cứ trang phục nào mà mình thích. Tuy nhiên, nên hạn chế mặc quần áo trắng vì có thể khiến mực vây ra làm bẩn quần áo. Những loại áo có cổ tay rộng cũng không được khuyến khích sử dụng vì dễ bị dính vào nghiên mực. Tốt nhất là bạn nên lựa chọn quần áo đen khi viết thư pháp.
Những phong cách chính trong nghệ thuật thư pháp Nhật Bản
5 phong cách chính trong nghệ thuật thư pháp Nhật Bản có đặc điểm như sau:
Tensho (triện thư)
Đây là phong cách được viết trên con dấu hoặc hộ chiếu của công dân Nhật Bản. Đặc điểm của phong cách viết này là các chữ có dạng vuông như chữ Điền (田) hay chữ Nhật (日) sẽ được viết bo cong lại.
Kaisho (khải thư)
Đây là phong cách viết cơ bản nhất của thư pháp mà những người mới nhập môn đều phải tập luyện mỗi ngày, tạo sự cứng cáp trong việc sử dụng bút lông để viết thư pháp. Đặc trưng của phong cách này là các nét chữ rõ ràng, cân đối và cách viết cũng khá dễ học.
Reisho (lệ thư)
Phong cách này được sử dụng để viết các chữ như “một vạn yên” hay “tiền giấy Nhật Bản” trên các tờ tiền Nhật Bản. Đặc điểm của cách viết này là các nét chữ lượn sóng bên trái và bên phải.
Gyosho (hành thư)
Phong cách này cũng được sinh ra từ Reisho với đặc trưng là các nét viết liên tục, ít bị ngắt quãng hay đứt đoạn và có thể lược bỏ một số phần của chữ. Chữ viết theo kiểu Gyosho khá phổ thông và dễ đọc với đại đa số tầng lớp tri thức ở Nhật.
Sousho (thảo thư)
Sousho là kiểu viết tiếng Nhật giống như cách viết tiếng Anh. Bởi nó có thể được viết một cách nhanh chóng và các ký tự thường đứt đoạn. Chính vì đặc trưng như vậy mà kiểu chữ này rất khó đọc và phải đòi hỏi một kiến thức nhất định về thư pháp Nhật Bản mới có thể am hiểu phong cách viết này.
Nghệ thuật Shodo Nhật Bản trong thời hiện đại
Trải qua nhiều thời gian hình thành và phát triển, cho đến nay, nghệ thuật thư pháp Shodo của Nhật Bản vẫn được lưu truyền và ứng dụng rộng rãi. Người dân Nhật Bản ứng dụng nghệ thuật này cho việc trang trí kiến trúc, điêu khắc những bức tượng nhà ở để tạo nên điểm nhấn đặc biệt.
Bên cạnh đó, nghệ thuật Shodo còn là một nét văn hóa độc đáo của người Nhật. Nó thể hiện những bản sắc văn hóa của đất nước Nhật Bản mặc dù được kế thừa từ quốc gia khác nhưng đã được biến đổi và có dấu ấn riêng. Nghệ thuật này cũng đã được tham gia các cuộc triển lãm lớn trên thế giới. Ngoài ra, ngày mùng 2 tháng 1 hàng năm tại Nhật Bản chính là ngày hội viết chữ thư pháp. Đặc biệt, thư pháp còn được trọng dụng vào những dịp hiếu, hỉ, mừng nhập môn, mừng tân gia, nhập trường,… Hiện nay, thư pháp cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ cập cho học sinh phổ thông tại Nhật.
Có thể nói, thư pháp Nhật Bản đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa Nhật. Hy vọng những chia sẻ trên đây của VJ Links – Du lịch Việt Nhật sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích và thú vị về một loại hình nghệ thuật nổi tiếng ở Nhật Bản – Shodo.
Xem thêm bài viết khác:
>> Tinh thần võ sĩ đạo Samurai: Biểu tượng trong văn hóa Nhật Bản
0 Comment