Nhắc đến một trong những nét đặc trưng của xứ sở phù tang thì không thể không kể đến Sumo. Đây không chỉ được xem là môn võ truyền thống mà hơn thế còn là tinh hoa văn hóa của dân tộc Nhật Bản. Vậy Sumo là gì? Cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật tìm hiểu về Sumo Nhật Bản: nguồn gốc lịch sử, luật lệ trong giới và cả cuộc sống đời thường của các võ sĩ Sumo.
Đôi nét về Sumo Nhật Bản
Sumo Nhật Bản được xem là một trong những nét văn hóa và tín ngưỡng lâu đời của người dân xứ sở phù tang. Bộ môn đấu vật độc đáo này đặc biệt ở chỗ chỉ ưu tiên dành riêng cho những ai có cân nặng “vượt trội”. Các Sumo có thân hình cực kỳ to lớn, kích cỡ có thể gấp 2 đến 3 lần người bình thường.
Khi thi đấu, các võ sĩ Sumo sẽ đứng trong một vòng tròn. Quy tắc là chỉ cần đẩy được đối thủ ra ngoài vòng tròn hoặc khiến cho bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể ngoài bàn chân đối thủ chạm đất là dành chiến thắng.
Sumo Nhật Bản được xem là tín ngưỡng của người dân nơi đây bởi bộ môn võ cổ truyền này thể hiện được tinh thần của Thần đạo – Shinto. Trước khi bước vào thi đấu, các võ sĩ Sumo sẽ thể hiện những điệu múa truyền thống cùng một vài nghi lễ chính. Đây là nghi thức để Sumo thay mặt người dân cảm tạ trời đất và cầu mong một năm với vụ mùa bội thu.
Nguồn gốc và lịch sử hình thành của Sumo Nhật Bản
Sumo Nhật Bản xuất hiện từ 2000 năm trước nhưng mãi cho đến năm 642, trận thi đấu đầu tiên giữa các võ sĩ Sumo mới được thế giới công nhận. Thời kỳ Nara (奈良時代) từ năm 710 đến năm 794 được xem là giai đoạn hoàng kim của môn võ Sumo. Trong thời kỳ này, Sumo được đưa vào trình diễn trong triều đình, các nguyên tắc và luật lệ bắt đầu được thiết lập. Nhờ vậy đã tạo nên bước chuyển mình đáng kinh ngạc của Sumo Nhật Bản cho đến ngày nay. Có thể thấy, Sumo không còn đơn thuần là một môn võ hay môn thể thao truyền thống mà còn là niềm tự hào văn hóa và tín ngưỡng của người dân xứ sở hoa anh đào.
Những cấp bậc trong Sumo Nhật Bản
Cũng giống như những môn võ khác trên thế giới, Sumo cũng phân chia thành nhiều cấp bậc riêng. Cùng VJ Links – Du lịch Việt Nhật tìm hiểu về Sumo Nhật Bản và các cấp bậc trong sự nghiệp của một Sumotori.
Jonokuchi
Jonokuchi là cấp bậc thấp nhất mà bất kỳ ai muốn trở thành Sumo đều phải trải qua. Có thể nói đây là cấp bậc nhập môn dành cho những võ sĩ tập sự môn võ Sumo. Không quá khó để những Sumo ở cấp bậc Jonokuchi có thể tăng hạn cao hơn. Và nếu phong độ sa sút hay gặp chấn thương không mong muốn, các Sumo cũng không bị tụt hạng về cấp bậc này.
Jonidan
Cấp bậc tiếp theo sau Jonokuchi là Jonidan. Ở cấp bậc này, các võ sĩ Sumo Nhật Bản đã có cho mình một vài kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, các Sumo Jonidan sẽ không được dùng áo khoác Kimono bất kể thời tiết nóng hay lạnh.
Sandanme
Ngay sau Jonidan là cấp bậc Sandanme. Các Sumo ở cấp bậc này có kinh nghiệm phong phú hơn, được thi đấu và bắt đầu nhận các khoản trợ cấp nhất định.
Makushita
Makushita là cấp bậc cuối cùng của khóa huấn luyện để các võ sĩ có thể trở thành một Sumo thực thụ. Ở cấp bậc này, những ai thắng được 7 trận đấu sẽ có thể được tăng hạn vô điều kiện lên cấp Juryo và chính thức trở thành một Sumo.
Juryo
Các võ sĩ ở cấp bậc Juryo được phép tham gia thi đấu chuyên nghiệp trong 15 trận và chỉ được phép đấu riêng với những người cùng cấp bậc. Người thắng cuộc với thứ hạng cao sẽ được thăng hạng lên cấp bậc mới.
Maegashira
Maegashira còn gọi là Makuuchi, được xem là cấp bậc có số lượng đông đảo nhất trong giới Sumo Nhật Bản. Các lực sĩ ở cấp này sẽ được thi đấu các giải chuyên nghiệp. Trường hợp, một võ sĩ trong nhóm Maegashira bị chấn thương phải từ bỏ giải đấu, võ sĩ Juryo có thành tích tốt nhất sẽ được phép lên đấu cùng nhóm này. Ngoài ra, các Sumo sau khi được tăng thứ hạng nhưng phong độ lại sa sút thì có thể sẽ trở về cấp bậc Maegashira.
Komusubi
Komusubi là cấp bậc được phong cho võ sĩ Maegashira nào có 10 đến 11 trận thắng hoặc dành được chiến thắng trước một người có cấp bậc cao hơn mình.
Sekiwake
Tiếp đến là cấp bậc Sekiwake – dành cho võ sĩ cấp Komusubi có số trận thắng nhiều hơn số trận thua trong nhiều mùa giải liên tiếp. Hoặc võ sĩ chỉ cần có một mùa giải với rất nhiều trận thắng (thường là 10 trận trở lên). Ngược lại, võ sĩ cấp Sekiwake nếu có một mùa giải không thành công, đồng nghĩa số trận thua nhiều thì sẽ phải trở về cấp bậc trước đó là Komusubi.
Ozeki
Trong giới Sumo Nhật Bản, nếu võ sĩ giành được chiến thắng 33 trận hoặc đoạt chức vô địch trong 3 mùa đấu Sumo liên tiếp sẽ được phong cho cấp bậc Ozeki (đại quan). Tương tự, nếu phong độ thi đấu sa sút hoặc chấn thương làm ảnh hưởng đến giải đấu, các võ sĩ sẽ bị hạ cấp bậc về Sekiwake.
Yokozuna
Yokozuna là cấp bậc cao quý nhất trong giới Sumo. Để đạt đến đẳng cấp này, các võ sĩ phải có thành tích thi đấu nổi bật và giữ phong độ ổn định qua các mùa giải. Hiện nay chỉ có 67 người được phong cấp bậc Yokozuna và trong số đó cũng chỉ còn một vài người còn sống.
Những đặc điểm nổi bật của môn võ Sumo Nhật Bản
Võ đài Sumo Nhật Bản
- Võ đài Sumo Nhật Bản có quy định riêng về kích thước. Cụ thể, vòng tròn thi đấu được bện chặt bằng rơm khô với đường kính 4,55 mét và đặt trên một bệ cao hình vuông được làm từ đất sét trộn cát.
- Bên trên võ đài Dohyo là phần mái che được thiết kế cầu kỳ, mô phỏng theo kiến trúc mái đền Thần đạo Shinto.
- Trước khi tham gia thi đấu, võ đài sẽ được tung muối với ý nghĩa tẩy uế. Các võ sĩ sẽ đứng xung quanh và vỗ tay thật lớn để thần linh chứng kiến. Ngoài ra nghi thức này còn mang ý nghĩa mong muốn được các vị thần ban cho sức mạnh.
Quy định của cuộc thi Sumo
Quy định về sự thắng bại của một cuộc đấu Sumo sẽ được quyết định rất nhanh. Theo đó, một võ sĩ Sumo sẽ dành được chiến thắng khi đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn hoặc quật ngã đối thủ xuống sàn đấu. Nghĩa là khi bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của đối thủ (ngoài chân) chạm đất là chiến thắng. Thông thường, các giải đấu sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày và các trận đấu thường diễn ra trong vòng 1 phút.
Võ sĩ giành chiến thắng sẽ nhận được số tiền lớn, cúp Sumo cùng nhiều phần quà giá trị khác (tùy theo quy định của giải đấu). Mỗi năm thường có khoảng 6 giải đấu Sumo được tổ chức vào các khoảng thời gian như tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11. Một vài địa điểm tổ chức thi đấu Sumo chuyên nghiệp như: Aichi, Osaka, Tokyo, Fukuoka.
Trọng tài trong cuộc thi Sumo
Để phân định thắng thua cũng như chủ trì các nghi thức Thần đạo, trong mỗi cuộc đấu Sumo Nhật Bản đều có trọng tài – được gọi là Gyoji. Trọng tài cũng được chia thành nhiều cấp bậc dựa trên kinh nghiệm, trong đó cấp cao nhất có tên là Tate-gyoji. Để nhận biết được trọng tài cấp cao, ta chỉ cần quan sát trang phục của họ. Nếu trọng tài Gyoji mặc trang phục truyền thống như các vị sư tu trong Thần đạo thì họ chính là Tate-gyoji. Ngoài ra, trong lúc điều khiển trận đấu, Gyoji thường sẽ cầm một cây quạt gỗ và gài một chiếc dao găm ngay thắt lưng.
Luật lệ trong giới sumo Nhật
Từ thời kỳ Nara, rất nhiều nguyên tắc và luật lệ được đặt ra trong giới Sumo Nhật Bản và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Nếu không tuân thủ luật lệ, các Sumo có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí là cấm thi đấu. Dưới đây là một vài luật lệ trong giới Sumo:
- Các võ sĩ Sumo phải để tóc dài để búi lên theo luật.
- Chiều cao tối thiểu của võ sĩ Sumo là 1m73.
- Anh em, họ hàng không được thi đấu với nhau.
- Các Sumo không được lái xe.
- Các võ sĩ Sumo trong cùng trại huấn luyện không được thi đấu với nhau.
- Tùy theo cấp bậc, trang phục của các Sumo sẽ có sự khác biệt.
Điều kiện tham gia thi đấu Sumo Nhật Bản
Để có thể trở thành một võ sĩ Sumo thực thụ và tham gia thi đấu chính thức, người tham gia cần đáp ứng các điều kiện liên quan sau:
- Về ngoại hình: Chiều cao tối thiểu 1,67m, cân nặng tối thiểu 67kg.
- Về độ tuổi: Thanh thiếu niên từ 15 – 23 độ.
- Trình độ học vấn: Học trung học cơ sở trở lên, xuất phát từ gia đình nề nếp và gia giáo, được sự tiến cử từ những người trong giới.
- Về sức khỏe: Phải đạt được yêu cầu về thị lực, sức lực và tốc độ. Ngoài ra thể trạng phải cân đối.
- Bữa ăn: Mỗi ngày phải nạp tối thiểu 8000 calo, tương đương 10 bát cơm và 8 cân thịt. Các đấu sĩ mới nhập môn sẽ được ăn 2 bữa mỗi ngày.
Trong giới Sumo Nhật Bản không có nữ giới, thậm chí là nữ cổ vũ còn phải đứng xa sàn thước. Các nữ cổ vũ khi tham gia cũng phải ăn mặc trang phục lịch sự, trang phục truyền thống Kimono, nói năng khẽ khàng và phải có chồng đi theo.
Cuộc sống đời thường của các Sumo Nhật Bản
Để trở thành Sumo chuyên nghiệp, các võ sĩ bắt buộc phải vào các trại huấn luyện và tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt trong giới. Chẳng hạn như:
- Để tóc dài và búi tóc như kiểu của các Samurai thời kỳ Edo.
- Khi xuất hiện ở các giải đấu hay nơi công cộng, võ sĩ phải mặc trang phục truyền thống để người khác nhận ra họ là một võ sĩ Sumo.
- Thời gian tập luyện vào buổi sáng là từ lúc 5h.
- Ngoài việc ăn uống được cung cấp, các Sumo phải tự mình nấu nướng và dọn dẹp.
- Số giờ ngủ cũng được quy định nghiêm ngặt, mỗi Sumo sẽ chỉ có 4 giờ để ngủ và không làm bất cứ chuyện gì.
- Cần tuân thủ cách ứng xử hàng ngày theo luật lệ.
Bên cạnh cuộc sống trong trại huấn luyện, các võ sĩ Sumo vẫn trải qua cuộc sống như một người bình thường, lấy vợ và sinh con.
Lời kết
Sumo Nhật Bản – môn võ truyền thống mang đậm văn hóa và tín ngưỡng của đất nước mặt trời mọc sẽ luôn là nét đặc trưng không đâu có được. Qua bài viết, hy vọng bạn đã phần nào hiểu hơn về Sumo và những nguyên tắc, luật lệ trong giới cũng như những khó khăn mà các võ sĩ Sumo đã trải qua để lưu giữ nét đẹp văn hóa này.
Xem thêm bài viết khác:
>> Lễ hội tuyết Sapporo – nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Nhật
>> Du lịch núi Phú Sĩ Nhật Bản – Biểu tượng thiêng liêng của Nhật
0 Comment