Nhật Bản nổi tiếng là một quốc gia coi trọng lễ nghĩa, điều này được thể hiện rõ nét trong văn hóa giao tiếp của người Nhật. Họ luôn cư xử lịch thiệp và tế nhị với tất cả mọi người trong các cuộc trò chuyện, ứng xử. Đó cũng là nét tính cách đặc trưng của con người Nhật Bản từ bao đời nay. Nếu bạn có ý định ghé thăm xứ sở hoa anh đào thì cũng nên tìm hiểu về cách giao tiếp của người Nhật để dễ dàng hòa nhập với con người cũng như văn hóa nơi đây nhé!

10 nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Nhật

Hiểu rõ về văn hóa giao tiếp ứng xử của người Nhật Bản chính là một trong những cách đơn giản nhất để hòa nhập với con người nơi đây. Dưới đây là 10 nét đặc trưng nhất trong văn hóa giao tiếp Nhật Bản mà bạn cần biết.

Văn hóa cúi chào của người Nhật

Văn hóa Nhật Bản trong giao tiếp đặc trưng nhất được cả thế giới ca ngợi đó chính là hành động cúi chào. Đây được xem là quy tắc bất thành văn của người Nhật, “người dưới” luôn luôn phải chào “người trên” trước. Theo quy định này thì người lớn tuổi là “người trên” của người ít tuổi; nam là “người trên” đối với nữ; thầy là “người trên” (không phụ thuộc vào tuổi tác hay hoàn cảnh); khách là “người trên”,… Đặc biệt, đối với người lớn tuổi hay vai vế cấp trên, bạn phải cúi chào sâu 90 độ, còn với bạn bè cùng trang lứa thì có thể cúi chào 30 độ.

Văn hóa giao tiếp Nhật Bản thể hiện qua cách cúi chào
Văn hóa giao tiếp Nhật Bản thể hiện qua cách cúi chào

Về văn hóa cúi chào, người Nhật thường sử dụng 3 kiểu cúi chào sau đây:

  • Kiểu Saikeirei: Nghiêng mình cúi chào 45 độ, cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, thể hiện sự kính trọng sâu sắc cũng như sự biết ơn đối với một ai đó. Kiểu cúi chào Saikeirei thường sử dụng trước những đền thờ của Thần đạo, chùa Phật giáo, trước Thiên Hoàng, trước Quốc kỳ.
  • Kiểu Keirei: Đây là kiểu cúi chào bình thường trong lần đầu gặp mặt. Đầu và thân cúi xuống 30 độ, giữ nguyên khoảng 2 – 3 giây. Trường hợp đang ngồi trên sàn mà muốn cúi chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau khoảng 10 – 20cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10 – 15cm. 
  • Kiểu Eshaku: Đây là kiểu cúi chào xã giao đối với những người cùng trang lứa. Thân mình cúi 15 độ, hai tay để bên hông. 

Giao tiếp bằng ánh mắt 

Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, nếu nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đang đối thoại thì bị xem là một hành động thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực. Vì vậy, người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đang đối thoại với mình. Họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, đồ nữ trang, cuốn sách, lọ hoa,… hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang một bên. 

Tránh nhìn thẳng vào người đối thoại trong các cuộc giao tiếp
Tránh nhìn thẳng vào người đối thoại trong các cuộc giao tiếp

Văn hóa giao tiếp Nhật Bản thể hiện qua trang phục

Trang phục chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong văn hóa giao tiếp của người Nhật. Nó thể hiện sự tôn trọng với người đối diện khi giao tiếp. Tùy vào hoàn cảnh cũng như đối tượng giao tiếp mà người Nhật sẽ lựa chọn trang phục phù hợp. Tuy nhiên, dù là trong hoàn cảnh nào, họ cũng luôn đề cao sự gọn gàng, lịch sự, kín đáo và nét tinh tế trong trang phục. 

Văn hóa tặng quà của người Nhật

Ở nước Nhật, tặng quà là một nghệ thuật thể hiện sự tôn trọng cũng như thái độ ngưỡng mộ. Đây cũng được xem là một hình thức để xác định các mối quan hệ xã hội và là một trong những văn hóa kinh doanh của người Nhật. Theo đó, nghi thức tặng quà của người Nhật cũng có một số điều cần lưu ý như sau:

  • Món quà được gói một cách tỉ mỉ, cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Không nên sử dụng những loại giấy gói quà có màu quá sáng và không được chọn màu trắng vì nó tượng trưng cho sự chết chóc.
  • Tránh tặng những món quà liên quan đến số 4 vì theo quan niệm của người Nhật thì đây là con số tượng trưng cho chữ “tử”.
  • Sử dụng cả 2 tay để trao quà tặng cho bất kỳ ai.
  • Không nên tặng quà một cách tùy ý, tốt nhất là nên có lý do hợp lý và rõ ràng.
  • Không nên gửi tặng những món quà có logo của công ty hoặc quà tặng bằng tiền bởi đó là điều cấm kỵ ở Nhật.
Người Nhật rất chú trọng trong nghi thức tặng quà
Người Nhật rất chú trọng trong nghi thức tặng quà

Văn hóa xin lỗi, cảm ơn

Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, lời cảm ơn và xin lỗi cũng là một trong những điều rất đáng chú ý. Nếu bạn lần đầu đặt chân đến “đất nước mặt trời mọc” hay đang tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản thì có lẽ sẽ rất bất ngờ khi nghe tần suất xin lỗi và cảm ơn xuất hiện liên tục trong các đoạn hội thoại của họ. 

Lời cảm ơn và xin lỗi rất được coi trọng trong văn hóa ứng xử của người Nhật
Lời cảm ơn và xin lỗi rất được coi trọng trong văn hóa ứng xử của người Nhật

Chính vì lý do này mà trong tiếng Nhật có rất nhiều cụm từ mang ý nghĩa xin lỗi nhằm thể hiện các sắc thái khác nhau trong từng trường hợp, chẳng hạn như: xin lỗi vì lịch sự, xin lỗi vì phạm sai lầm, xin lỗi thành khẩn, xin lỗi ngắn gọn trong những mối quan hệ gần gũi,… Ngoài ra, sau những cuộc trò chuyện hay nhận lời mời từ người Nhật, bạn cũng nên gửi một lời cảm ơn chân thành đến họ để tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

Sự im lặng trong văn hóa giao tiếp của người Nhật

Sự im lặng của người Nhật được xem là một cách để giao tiếp. Họ quan niệm rằng nói ít thì tốt hơn nói quá nhiều và họ quan tâm đến hành động hơn là lời nói. Trong các buổi thương thảo, người có vị trí cao nhất thường là người kiệm lời nhất. Những gì họ nói ra chính là quyết định sau cùng và im lặng cũng là một cách để không làm mất lòng người khác.

Vẫy tay trong giao tiếp

Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, khi muốn gọi một ai đó bằng cách vẫy tay, bạn nên lưu ý để tay thẳng, lòng bàn tay hướng xuống. Nếu để ngón tay cong xuống sẽ bị coi là hành động tục tĩu. Đặc biệt, điều cấm kỵ nhất là chỉ thẳng tay vào người khác. Thay vào đó, bạn hãy mở rộng bàn tay hướng lên trên để chỉ về phía của người đó.

Phép lịch sự qua cái gật đầu

Trong khi người Nhật lắng nghe người khác nói, họ có những hành động như nở một nụ cười, cái gật đầu và những câu chữ rất lịch sự mà không thể nào tìm thấy trong các ngôn ngữ khác. Theo đó, gật đầu là một hành động rất phổ biến thay cho sự đồng ý và đối với người Nhật, nó còn thể hiện phép lịch sự. 

Văn hóa giao tiếp của con người Nhật Bản luôn được chú trọng và đề cao
Văn hóa giao tiếp của con người Nhật Bản luôn được chú trọng và đề cao

Sử dụng cách nói gián tiếp, nói giảm nói tránh

Người Nhật sẽ không chọn cách trả lời trực tiếp “Không” cho các vấn đề được hỏi. Nếu có ý phản đối về một vấn đề nào đó, họ sẽ tìm cách “nói giảm nói tránh”, chẳng hạn như “vấn đề này khá khó”, “nên xem xét lại tính khả thi”,… Bất kỳ cử chỉ, hành động hay lời nói nào của người Nhật, kể cả khi mang tính hối thúc hay phản đối đều mang theo nét nhã nhặn, lịch sự và tôn trọng đối phương. Đối với họ, sự tự trọng và cái tôi khá lớn, vì vậy, họ luôn tránh việc bị đánh giá là khiếm nhã hay thô lỗ trong ứng xử, giao tiếp.

Kiềm chế cảm xúc của bản thân

Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, họ luôn chú trọng làm sao để người đối thoại cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất. Tuyệt nhiên họ không muốn khiến cho người khác bị ảnh hưởng bởi cảm xúc riêng của bản thân. Vì vậy, khi giao tiếp với người Nhật, bạn nên cố gắng tiết chế cảm xúc, luôn mỉm cười vui vẻ chính là một cách tôn trọng người đối diện. 

Một vài đặc trưng khác trong cách giao tiếp của người Nhật

Văn hóa giao tiếp của người Nhật còn có một số đặc điểm nổi bật khác có thể kể đến như:

  • Người Nhật trong khi làm việc hoặc đang suy nghĩ thì không nên đưa ra ý kiến chệch vấn đề đang bàn hay nói những câu không liên quan đến chủ đề hoặc hỏi về đời tư cá nhân. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị đánh giá là người vô duyên, thiếu nghiêm túc hoặc gây ác cảm với người đang trong cuộc đối thoại.
  • Cái bắt tay hay vỗ vai được xem là cách chào hỏi thân thiện đối với người Việt Nam hay các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Nhật Bản, việc giữ khoảng cách khi nói chuyện là vô cùng cần thiết. Bạn chỉ cần cúi chào và mỉm cười thân thiện là đã thể hiện sự tôn trọng với đối phương khi giao tiếp. 
Văn hóa giao tiếp của người Nhật có khá nhiều quy tắc cầu kỳ, phức tạp
Văn hóa giao tiếp của người Nhật có khá nhiều quy tắc cầu kỳ, phức tạp
  • Trong những cuộc hẹn, người Nhật rất quan tâm và chú trọng đến vấn đề thời gian. Họ sẽ cảm thấy khó chịu và có ấn tượng không tốt với những người trễ hẹn. Đặc biệt, nếu là cuộc gặp gỡ hợp tác kinh doanh thì đó là điều tối kỵ. Vì vậy, hãy luôn đúng giờ trong các cuộc hẹn với người Nhật để cuộc trò chuyện diễn ra vui vẻ nhất.

Có thể thấy, văn hóa giao tiếp của người Nhật có khá nhiều quy tắc cầu kỳ và phức tạp. Tuy nhiên đó lại là nét đặc trưng của con người Nhật từ xa xưa đến nay và cũng là thước đo để đánh giá người đối diện trong giao tiếp. Chính vì vậy, để tạo được thiện cảm với con người Nhật Bản khi đặt chân đến vùng đất này, bạn hãy học cách cư xử đúng mực và tôn trọng văn hóa của họ nhé!